Bộ Quốc phòng sẽ tính toán, quy định cho cấp dưới cấp phép, có thể đến cấp tỉnh, cấp quân khu, quân chủng hoặc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Sáng 27-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Các quy định liên quan đến phương tiện bay siêu nhẹ, không người lái tiếp tục nhận được sự quan tâm của đại biểu.
Nêu ý kiến đầu tiên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, Điều 45, 47 dự thảo Luật về quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải về cấp phép bay cho các chuyến bay, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động trong khu vực cấm bay có ảnh hưởng đến tàu bay hàng không dân dụng, đề nghị giao cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp thay cho Bộ Quốc phòng. Tương tự, về xử lý vi phạm, quy định giao trách nhiệm cho hai Bộ Công an và Quốc phòng sẽ bất cập vì cùng một việc lại giao cho hai bộ xử lý.
Theo đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mới chỉ có những quy định khung, mang tính nguyên tắc, trong khi đó, thực tiễn đã đặt ra những yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động phòng không nhân dân để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ngoài ra, Điểm c, Khoản 2, Điều 29 quy định, người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không. Đại biểu đề nghị cần giải thích rõ cụm từ “có kiến thức về hàng không”. Đại biểu nêu, người trực tiếp điều khiển cần được trải qua chương trình đào tạo, huấn luyện bài bản, có chứng nhận đào tạo làm cơ sở cấp phép bay vì liên quan đến an ninh quốc phòng và an toàn hàng không.
Cùng góp ý về nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nêu, cần quy định rõ thế nào là “có kiến thức về hàng không” và cơ quan nào quy định cụ thể về kiến thức hàng không để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện.
Góp ý vào Khoản 4, Điều 28 quy định về thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm kinh doanh tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) đề nghị bổ sung “và Bộ Công an” vào sau cụm từ “theo quy định của Bộ Quốc phòng” để tương thích với thẩm quyền của Bộ Công an được quy định tại Khoản 3 Điều này. Theo đó, Bộ Công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý. Vì vậy, việc tổ chức, cá nhân khi thử nghiệm thực tế tính năng bay của tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ phải tuân thủ các quy định của Bộ Công an là cần thiết và phù hợp.
Quan tâm đến thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (Điều 28), đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) đề nghị làm rõ nội hàm của “kinh doanh” tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; đồng thời, việc quy định “thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm” tại Điều 28 có thuộc nội hàm của “kinh doanh” không. Cùng với đó, làm rõ mối quan hệ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong cấp giấy chứng nhận cho cơ sở thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để đảm bảo thống nhất trong quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, tránh chồng chéo giữa các bộ.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nêu, Bộ Công an cấp phép bay cho các phương tiện bay siêu nhẹ, các phương tiện bay không người lái của Bộ Công an. Bộ Quốc phòng cấp phép cho các phương tiện bay của Bộ Quốc phòng. Còn lại, các phương tiện bay khác đều phải đăng ký ở Bộ Công an, nhưng trách nhiệm quản lý ở Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng có các trang bị bảo đảm và được Chính phủ giao nhiệm vụ này.
Từ trước tới nay, Bộ Quốc phòng giao cho Cục Tác chiến cấp phép. Tuy nhiên, đến nay, do phương tiện gia tăng nên Bộ sẽ tính toán, có thể quy định cho cấp dưới cấp phép, đến cấp tỉnh, cấp quân khu, quân chủng hoặc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
“Quy định cấp phép là vậy nhưng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thấy cần thiết phải đình chỉ chuyến bay đó thì có quyền chứ không phải chỉ cấp cấp phép mới có quyền. Có nghĩa cấp trên có quyền bác quyết định của cấp dưới. Đây cũng là quy định điều lệnh tác chiến của quân đội”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng, hiện các phương tiện bay này đã phổ biến tại tất cả các quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam nên cần phải có những quy định quản lý cụ thể. Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý vùng trời nên phải quản lý cả phương tiện bay được cấp phép và không phải cấp phép. Việc này Bộ sẽ thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm bảo đảm vùng trời được an toàn nhất.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đã có 12 lượt đại biểu phát biểu.
Các ý kiến cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật, về bố cục, nhiều nội dung của dự thảo Luật và cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh, đồng thời đề nghị, Ủy ban và Ban soạn thảo dự án Luật cần rà soát, bổ sung hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định; bổ sung thông tư của Bộ Quốc phòng; bổ sung đánh giá tác động của một số chính sách cụ thể...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.