Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm cơn sóng cồn

Vân Khanh| 24/04/2012 06:41

(HNM) - Sau phiên đấu giá trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm và 5 năm ngày 4-4 được xem là thất bại thê thảm vì chỉ đạt được mục tiêu tối thiểu, Tây Ban Nha đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục khi thu về 2,54 tỷ euro tiền bán trái phiếu chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần sau đó.


Thành công vượt dự kiến trong đợt huy động vốn có ý nghĩa sống còn này đã lập tức giải tỏa phần nào căng thẳng mà Madrid đã tạo nên trên thị trường toàn cầu. Nhưng, thành công này cũng không làm vợi những âu lo ngày một rõ rằng xứ Bò tót giờ đây đang nổi lên như một tâm điểm mới, đáng quan ngại nhất của cơn bão nợ công tại Châu Âu.

Gần 1/4 dân số không việc làm đang là gánh nặng lớn với kinh tế Tây Ban Nha.


Việc các nhà đầu tư vẫn còn mở hầu bao với Tây Ban Nha, nhiệm vụ thanh toán 11,9 tỷ euro trái phiếu đáo hạn vào tháng 4 và 12,7 tỷ euro trái phiếu đáo hạn vào tháng 7 tưởng chừng bất khả thi đã có cơ hội thành hiện thực. Mặc dù vậy, sự bất ổn bắt đầu hiện rõ hơn tại đất nước Tây Nam Âu xinh đẹp qua việc lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Madrid đã lên sát ngưỡng 6%. Vậy là, bất chấp các chính sách cắt giảm chi tiêu ngặt nghèo, chi phí vay mượn của xứ Bò tót vẫn liên tiếp nhảy lên những đỉnh cao mới. Phải trả lãi suất cao đồng nghĩa với việc lòng tin suy giảm. Sự vận hành hai chiều trái ngược này của mối quan hệ giữa chủ nợ và con nợ là chỉ báo không thể rõ ràng hơn về một nguy cơ không ai muốn nhắc tới là khả năng tài chính của Tây Ban Nha đang dần mất điểm trong mắt giới đầu tư.

Theo đúng quy luật mà những "người tiền nhiệm" Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland đã đi qua, một khi lãi suất tăng cao, Madrid sẽ không thể chịu thấu những khoản vay nặng lãi từ các thị trường mở. Phương cách duy nhất để thoát án phá sản là lại phải xin cứu trợ từ bên ngoài. Không quá khó khăn để nhận ra rằng nếu kịch bản tồi tệ này xảy ra, không chỉ Tây Ban Nha bị rơi vào thế "trứng treo đầu đẳng", mà cả Châu Âu sẽ khó khăn thế nào nếu một lần nữa phải tung phao cứu con bệnh thứ tư của đại dịch nợ công.

Thực tế, Quỹ Cơ chế bình ổn tài chính Châu Âu (ESM) trị giá gần 700 tỷ euro - có được sau nhiều cuộc thương thuyết gay cấn đến phút chót - vẫn tỏ ra khiêm tốn so với những gì Châu Âu đang cần để "thoát lầy". Do vậy, cuộc giải cứu con bệnh Tây Ban Nha nếu xảy ra sẽ là "ca" khó khăn nhất từ trước tới nay với các bác sĩ "tài chính" Lục địa già. Bởi lẽ, quy mô của nền kinh tế lớn thứ tư trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) gấp hai lần so với ba nền kinh tế từng cầu viện hỗ trợ quốc tế. Do đó, cú sụp đổ của nền kinh tế Tây Ban Nha tạm chưa xảy ra khiến cả Châu Âu vợi bớt lo lắng. Tuy nhiên, để gỡ mớ chỉ rối kinh tế khiến Madrid lâm vào nợ nần lại không phải là câu chuyện có thể kết thúc trong ngày một ngày hai. Không như ba quân bài domino đã đổ ngã, những yếu tố đe dọa kinh tế Tây Ban Nha có nhiều điểm khác biệt. Nếu như yếu huyệt của Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Ireland là do chi tiêu công quá mức mà dẫn tới nợ nần, thì cơn vỡ nợ đang đe dọa nền kinh tế Tây Ban Nha lại nằm ở quả bong bóng bất động sản đã vỡ. Trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến 24,3% với giới trẻ của xứ Bò tót đang ở "top" đầu về thất nghiệp tại Châu Âu.

Tăng đến 200% từ năm 1985 đến năm 2007 và cũng tới 50% chỉ trong 5 năm từ 2002 đến 2007, giá nhà đất vốn được thổi vọt cùng những năm tháng kinh tế hùng mạnh đột ngột rơi tự do đẩy hàng loạt các nhà đầu tư Tây Ban Nha vào nợ nần chồng chất tại các ngân hàng. Kết quả là nợ của khu vực tư nhân ở quốc gia Tây Nam Âu nhảy lên ngưỡng kỷ lục 2,4 nghìn tỷ euro, tương đương 230% GDP, bỏ xa con số 70% GDP của Hy Lạp và là mức cao nhất trong số 5 nền kinh tế lớn nhất Eurozone. Cuộc giải quyết thương tổn tài chính này hứa hẹn đơn giản hơn nếu kinh tế Tây Ban Nha vẫn giữ được phong độ. Thế nhưng, khi phải thắt lưng buộc bụng như hàng loạt các quốc gia Châu Âu khác thì khả năng xoay xở để "thoát nợ" sẽ vô cùng khó khăn.

Dẫu vậy, đến thời điểm này, Tây Ban Nha vẫn chưa phải viện đến sự cứu trợ của các thể chế tài chính khu vực và quốc tế cho thấy Madrid vẫn chưa đến bước đường cùng. Nhưng, vào lúc này, rõ ràng không ai dám quả quyết rằng Châu Âu sẽ "vô sự" trước hiểm nguy mới với cơn sóng cồn đến từ Tây Ban Nha.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm cơn sóng cồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.