(HNM) - Nhiều năm qua, thể thao thành tích cao của Hà Nội luôn duy trì ổn định vị thế dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2020, thể thao thành tích cao Hà Nội tiếp tục vững vàng trong vai trò trụ cột của thể thao Việt Nam trên các đấu trường quốc tế, với những thành tích đáng tự hào, góp phần nâng tầm vị thế của Thủ đô.
Trụ cột của thể thao Việt Nam
Trong giai đoạn 2015-2020, thể thao thành tích cao Hà Nội luôn giữ vững vị trí dẫn đầu toàn quốc và là trụ cột của thể thao Việt Nam, trung bình mỗi năm giành được hơn 2.000 huy chương các loại tại các giải thi đấu trong nước, quốc tế.
Theo Trưởng phòng Quản lý thể dục - thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) Đinh Văn Luyến, ở nhiều môn, vận động viên của Hà Nội đóng vai trò nòng cốt trong đội tuyển quốc gia tham dự các giải thi đấu quốc tế, khu vực và châu lục. Đơn cử, Hà Nội đóng góp trên 30% số thành viên của Đoàn thể thao Việt Nam tại Thế vận hội Mùa hè 2016 (Olympic 2016), Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) năm 2018, SEA Games năm 2017 và năm 2019 cũng như tổng số huy chương.
Nổi bật nhất là tại ASIAD 2018, các vận động viên Hà Nội tranh tài ở 23/32 môn, thi đấu xuất sắc và đóng góp 16 huy chương (1 Huy chương vàng, 6 Huy chương bạc, 9 Huy chương đồng) trong tổng số 4 Huy chương vàng, 16 Huy chương bạc, 18 Huy chương đồng của Đoàn thể thao Việt Nam. Đặc biệt, tấm Huy chương vàng lịch sử của vận động viên nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo, đã giúp điền kinh Việt Nam lần đầu tiên có huy chương ở sân chơi ASIAD. Thành tích này đã góp phần đưa thể thao Việt Nam đứng thứ 16/45 các quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự ASIAD 2018.
Cũng trong năm 2018, Hà Nội đã đăng cai và đạt kết quả cao tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII. Đoàn thể thao Thủ đô đứng vị trí thứ Nhất toàn đoàn trong tổng số 65 đoàn thể thao tham dự đại hội, với 176 Huy chương vàng, 149 Huy chương bạc, 139 Huy chương đồng, vượt xa đơn vị đứng thứ Nhì là đoàn thành phố Hồ Chí Minh (118 Huy chương vàng, 101 Huy chương bạc, 103 Huy chương đồng).
Tại SEA Games 30 năm 2019, Hà Nội là địa phương đóng góp nhiều huy chương nhất cho Đoàn thể thao Việt Nam, với tổng cộng 87 huy chương các loại, trong đó có 34 Huy chương vàng, 27 Huy chương bạc, 26 Huy chương đồng. Riêng số Huy chương vàng do vận động viên Hà Nội giành được chiếm 34,69% tổng số Huy chương vàng của Đoàn thể thao Việt Nam. Còn tại Olympic 2016, Hà Nội là địa phương đóng góp nhiều vận động viên nhất cho Đoàn thể thao Việt Nam (23 vận động viên).
Đối với bộ môn bóng đá, phải kể đến đại diện tiêu biểu nhất trong giai đoạn hiện nay là Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội - niềm tự hào của bóng đá Thủ đô với những thành tích xuất sắc, không chỉ tại V-League (5 lần vô địch) mà còn tại giải đấu cấp câu lạc bộ của bóng đá châu Á, khi vào tới bán kết AFC Cup 2019 liên khu vực Đông Á - Nam Á và Đông Nam Á.
Xây dựng lực lượng vận động viên hùng hậu
Lý giải về những thành công mà thể thao Thủ đô giành được thời gian qua, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng cho biết, việc thành phố đầu tư cơ sở vật chất theo quy trình khép kín, đồng bộ và hiện đại cho hoạt động thể dục, thể thao là nền tảng giúp các nhà quản lý và chuyên môn thuận lợi hơn rất nhiều trong công tác quản lý và đào tạo vận động viên, góp phần giúp các tài năng được nuôi dưỡng và trưởng thành.
Cùng với đó, việc thực hiện quy trình tuyển chọn, đào tạo tập trung dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu trong nước và nước ngoài, kết hợp đưa vận động viên đi tập huấn, thi đấu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm tại các nền thể thao mạnh trên thế giới, giúp thể thao Hà Nội luôn có lực lượng vận động viên hùng hậu, như: Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ); Bùi Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Oanh (điền kinh); Vương Thị Huyền (cử tạ); Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Lộc Thị Đào (bắn cung)...
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định, Hà Nội luôn ưu tiên nguồn kinh phí để đưa các vận động viên tốt nhất đi thi đấu các giải quốc tế mang tính chất tuyển chọn, tích điểm cho việc giành vé dự Olympic. “Với cách làm như vậy, thời gian tới, thể thao Việt Nam sẽ có thêm nhiều suất chính thức dự Thế vận hội Olympic 2021 tại Nhật Bản từ các vận động viên của Hà Nội”, ông Tô Văn Động cho hay.
Theo Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn, trong thời gian tới, để duy trì vị thế dẫn đầu cả nước về thể thao thành tích cao, Hà Nội cần tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phát triển mạnh thể thao chuyên nghiệp, thành tích cao theo hướng tiên tiến, hiện đại, hội nhập quốc tế, trong đó ưu tiên phát triển những môn thể thao thế mạnh của Hà Nội, các môn mũi nhọn dự Olympic. Đồng thời xây dựng và thực hiện hệ thống chính sách đãi ngộ, khuyến khích vật chất, tinh thần đối với đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên và chuyên gia thể thao thành tích cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.