Thể thao

Nâng tầm thể thao thành tích cao

Ngân Hà 24/12/2023 - 07:45

Thể thao Việt Nam dù đang đứng hàng đầu Đông Nam Á và đạt được kết quả nhất định ở các đấu trường Asiad, Olympic, nhưng sự phát triển của thể thao thành tích cao nước nhà so với khu vực vẫn không ổn định.

Những ý kiến đóng góp của giới chuyên môn, các chuyên gia tại hội nghị "Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030" đã gợi ý những giải pháp thiết thực góp phần định hướng nâng tầm thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế trong thời gian tới.

cac-van-dong-vien-doi-tuyen.jpg
Các vận động viên đội tuyển điền kinh quốc gia tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm

Đâu là nguyên nhân “hụt hơi”?

Những năm gần đây thể thao Việt Nam luôn trong tốp đứng đầu Đông Nam Á (SEA Games). Điển hình, tại SEA Games 32 tổ chức tại Campuchia tháng 5-2023, thể thao Việt Nam đứng thứ nhất toàn đoàn, khiến người hâm mộ "nức lòng". Tuy nhiên, chỉ sau đó 4 tháng, tại Asiad 19 diễn ra tháng 9-2023 ở Hàng Châu, Trung Quốc, Đoàn thể thao Việt Nam chỉ giành được 3 Huy chương vàng, đứng thứ 6 Đông Nam Á (sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore), thứ 21 châu Á.

Ở đấu trường Olympic, tại Olympic London 2012, Đoàn thể thao Việt Nam có 18 vận động viên vượt qua vòng loại và giành được 1 Huy chương đồng. Tại Olympic Brazil 2016, có 23 vận động viên vượt qua vòng loại, giành 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc. Vậy nhưng đến Olympic Tokyo 2020, chỉ có 18 vận động viên vượt qua vòng loại và không giành được bất kỳ huy chương nào.

Thành tích thiếu bền vững tại các đấu trường châu Á (Asiad) và thế giới (Olympic) là lý do khiến những nhà quản lý, hoạch định chính sách thể thao phải nhìn lại, tìm hướng đi phù hợp cho thể thao nước nhà. Gần đây nhất, Hội nghị Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 (diễn ra ngày 21-12 tại Hà Nội) được coi là “Hội nghị Diên Hồng” của ngành Thể thao, đã chỉ ra những điều còn thiếu, còn yếu của thể thao Việt Nam.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Đặng Hà Việt đã chỉ ra những nguyên nhân chính khiến thể thao thành tích cao Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế: Nguồn tài năng trẻ chưa nhiều; các vận động viên tranh chấp thành tích trên đấu trường Olympic và Asiad chưa thực sự đạt và duy trì sự ổn định thành tích; nguồn huấn luyện viên nội có trình độ cao còn rất khiêm tốn, thiếu chuyên gia nước ngoài; cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện, thi đấu thiếu thốn; vận động viên có ít đợt tập huấn nước ngoài do thiếu kinh phí; hệ thống thi đấu trong nước chưa hiệu quả.

Ngoài ra, theo các chuyên gia thể thao, việc không xác định mục tiêu rõ ràng cũng khiến thể thao Việt Nam "tụt hậu" ở Asiad, Olympic. Đơn cử như, chỉ có 35% Huy chương vàng của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 đến từ môn Olympic; trong khi của Đoàn thể thao Singapore là hơn 70%.

Tìm hướng trong đầu tư, đào tạo

Hiến kế cho ngành Thể thao, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh cho rằng, cần xác định rõ mục tiêu cho SEA Games, Asiad hay Olympic để lên kế hoạch đầu tư. "Những năm qua thể thao Việt Nam đã quá coi trọng SEA Games mà chưa tập trung cho Asiad, Olympic", ông Nguyễn Hồng Minh nói. Còn theo nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Lâm Quang Thành, cần đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển thể thao thành tích cao, qua đó tạo bứt phá trong chất lượng, hiệu quả huấn luyện và thành tích thể thao.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương Cao Văn Chóng cho rằng, vấn đề mấu chốt để cải thiện thành tích của thể thao Việt Nam là nguồn lực đầu tư. Thực tế cho thấy, mức đầu tư của chúng ta còn thấp so với một số nước trong khu vực, như: Thái Lan, Singapore...

Theo các chuyên gia, năm 2023, ngân sách Nhà nước cấp cho thể thao thành tích cao là 710 tỷ đồng. Ngành Thể thao hy vọng được Nhà nước đầu tư khoảng 800-850 tỷ đồng/năm cho thể thao thành tích cao trong giai đoạn 2024-2026; trong giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 850-900 tỷ đồng/năm. Trong đó, một phần số tiền này sẽ dùng để đầu tư trọng điểm cho khoảng 30 vận động viên xuất sắc có khả năng tranh chấp Huy chương vàng Asiad và chuẩn Olympic ở 5-6 môn.

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, các chuyên gia cũng cho rằng, cần có cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào hoạt động thể thao.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thời gian tới, Cục Thể dục thể thao cần xây dựng đề án, tập trung nâng thành tích của thể thao Việt Nam ở đấu trường Asiad, Olympic; tập trung chấn chỉnh công tác đào tạo, huấn luyện, chú ý quy trình đào tạo mang tính hệ thống từ các địa phương, tỉnh, thành tới cấp trung ương; tập trung rà soát lại hệ thống cơ sở vật chất tại các trung tâm huấn luyện. Ngành cũng cần phải tuyển chọn danh mục các môn thể thao trọng điểm; phát hiện, bồi dưỡng các vận động viên, huấn luyện viên tài năng. Cục Thể dục thể thao cần tận dụng các mối quan hệ quốc tế để tìm được những chuyên gia, huấn luyện viên giỏi và đặc biệt cần ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đào tạo, huấn luyện và quản lý, điều hành, hướng đến thành tích cao tại đấu trường quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm thể thao thành tích cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.