Hiện nước ta có khoảng 20% dân số cần trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, cả nước mới chỉ có 432 cơ sở trợ giúp xã hội, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cần trợ giúp của người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Chưa kể, nhiều cơ sở được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, dụng cụ y tế, trang thiết bị cần thiết để phục hồi chức năng còn rất thiếu...
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội còn hạn chế, chưa vận động thành phong trào toàn dân thường xuyên tham gia hoạt động này nên chưa phát huy được tối đa sức mạnh và huy động nguồn lực xã hội cùng Nhà nước thực hiện mục tiêu mở rộng đối tượng được trợ giúp. Đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội còn thiếu về số lượng, nhất là cán bộ, nhân viên làm việc trực tiếp với đối tượng...
Nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, trong đó có Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22-1-2021 phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25-11-2020 phê duyệt chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030. Đây là những văn bản cốt lõi nhằm bảo đảm công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người yếu thế.
Mới đây, ngày 17-8-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 966/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu là đến năm 2030 bảo đảm ít nhất 90% số người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có người chăm sóc được các cơ sở trợ giúp xã hội tư vấn, trợ giúp và quản lý. Cơ cấu mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội của cả nước đến năm 2030 đạt tối thiểu 725 cơ sở, bảo đảm cung cấp dịch vụ chăm sóc tại cơ sở trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Để thực hiện được mục tiêu nói trên, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh cải cách hoạt động quản lý nhà nước về trợ giúp xã hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội. Cụ thể là hình thành hệ thống mã số an sinh xã hội, quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; hoàn thiện cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, số hóa hồ sơ; bảo đảm hạ tầng hệ thống; tập huấn, chuyển giao công nghệ cho người sử dụng các cấp từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, bao gồm chính sách trợ cấp xã hội, quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội và chính sách có liên quan.
Để bảo đảm an sinh toàn dân trong mọi hoàn cảnh, cũng cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống các chính sách pháp luật theo hướng thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp xã hội, thể hiện rõ tính nhân văn của chế độ. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi để thực thi chính sách theo hướng công khai, dân chủ và phân cấp mạnh đối với địa phương, cơ sở, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc tiếp tục nâng cao mức sống cho người dân, mở rộng và tiến tới bao phủ hỗ trợ toàn bộ các đối tượng yếu thế trong xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.