(HNM) -
Người Anh đã “quay lưng” lại với EU. |
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh trong EU phản ánh tâm lý hoài nghi đã dồn nén nhiều năm qua của cử tri Anh. Thực tế thời gian gần đây, ngày càng có nhiều công dân Anh cho rằng, họ đang phải gánh trách nhiệm quá lớn và phải đóng góp quá nhiều so với những gì nhận được từ EU. Bản thân những người "nói không" với lựa chọn ra khỏi EU (Brexit) cũng thừa nhận rằng, nước Anh chỉ có thể hùng mạnh, an toàn và thịnh vượng hơn trong một EU được cải cách. Đó là lý do chính khiến nhiều cử tri Anh lựa chọn ra khỏi EU.
Tuy nhiên, thách thức mà nước Anh phải đối mặt sau quyết định gây chấn động này sẽ còn khủng khiếp hơn rất nhiều. Theo nhận định của Thời báo Độc lập (Anh), Brexit có thể để lại đống đổ nát mà người Anh sẽ mất nhiều năm để giải quyết. Trước mắt, đó là sự chia rẽ nội bộ khó có thể hàn gắn. Cuộc bỏ phiếu vừa qua cho thấy, Bắc Ireland và Scotland - những khu vực rất muốn ly khai khỏi Vương quốc Anh - lựa chọn ở lại EU; trong khi đó phần còn lại của Vương quốc - gồm Anh (England) và Xứ Wales - lại quyết ra đi. Đây sẽ là lý do quan trọng để Scotland và Bắc Ireland cho rằng chính quyền London không đại diện cho quyền lợi kinh tế và chính trị của họ. Không loại trừ khả năng, trong thời gian tới, 2 khu vực này sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự như "mẫu quốc" vừa làm để đòi độc lập.
Với Cựu lục địa, việc một thành viên chủ chốt - cả về kinh tế lẫn quân sự và tài chính rời EU chắc chắn sẽ giáng một đòn nặng vào tham vọng hội nhập Châu Âu và ảnh hưởng rất lớn đến những kế hoạch đã vạch ra, nhất là khi Liên minh đang phải “vật lộn” với hàng loạt thách thức từ khủng hoảng nhập cư, tình trạng suy giảm kinh tế đến những mối đe dọa khủng bố… Hình ảnh một EU không còn nguyên vẹn cũng sẽ khiến tiếng nói của "ngôi nhà chung" này mất đi sức nặng trên trường quốc tế. Đáng lo ngại hơn, kịch bản Brexit có thể kích hoạt hàng loạt quốc gia khác tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý tương tự.
Không phải đợi lâu, ngày 25-6, lãnh đạo đảng True Finns của Phần Lan đã bắt đầu thu thập chữ ký cho đơn đề nghị yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc Helsinki rời khỏi EU. Hiện có khoảng 10.000 người đã ký vào văn bản này. Đây cũng sẽ là động lực lớn cổ vũ Xứ Catalonia, Xứ Basque của Tây Ban Nha và phe cực hữu ở Pháp, Italia, Hà Lan thúc đẩy những kế hoạch chia tách từng ấp ủ lâu nay. Rõ ràng, nếu không có biện pháp hữu hiệu, xu hướng ly khai sẽ khiến EU tiến dần tới bờ vực tan rã, đẩy châu lục và cả thế giới vào bất ổn không chỉ về kinh tế, chính trị mà cả an ninh.
Nói cách khác, Brexit đang buộc EU phải có những thay đổi căn bản để trấn an dư luận, thị trường và cải thiện tâm lý hoài nghi về sự ổn định của Châu Âu. Những quyết định sớm nhất dự kiến được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối vào ngày 29-6 tới - hội nghị đầu tiên không có Anh. Và rõ ràng, Brexit cũng đang buộc thế giới phải đi theo một "kịch bản" không quá mới nhưng đầy gian nan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.