(HNM) - Thể dục dụng cụ (TDDC) Hà Nội nói riêng và TDDC Việt Nam nói chung sở hữu hai gương mặt hàng đầu là Nguyễn Hà Thanh và Phạm Phước Hưng, nhưng cả hai đều đang gặp vấn đề, chủ yếu do chấn thương. Dù vậy, Chủ nhiệm Bộ môn TDDC Hà Nội, HLV trưởng Đội tuyển TDDC nam quốc gia
Năm 2014 là một năm thi đấu thành công của TDDC Việt Nam nói chung và TDDC Hà Nội nói riêng. Lần đầu tiên TDDC Việt Nam có huy chương tại đấu trường ASIAD (1 HCB, 3 HCĐ). Trong đó có 1 HCB, 1 HCĐ của VĐV Phan Thị Hà Thanh (Hải Phòng), 2 tấm HCĐ còn lại đều có dấu ấn của TDDC Hà Nội: Một do công của VĐV trẻ Đinh Phương Thành (xà kép), một do công của VĐV Quân đội Đặng Nam - người đã có nhiều năm tập luyện cùng VĐV Hà Nội, dưới sự huấn luyện của các chuyên gia, HLV Hà Nội. Đáng chú ý, cũng ở nội dung xà kép, VĐV xếp vị trí thứ 4, sau Đinh Phương Thành, cũng là VĐV Hà Nội - Phạm Phước Hưng. Nhớ lại những khoảnh khắc thi đấu tại ASIAD 17-2014, HLV Trương Tuấn Hiền nói: "Phạm Phước Hưng thậm chí có khả năng cạnh tranh HCV, HCB vì bài diễn của em có độ khó cao, đạt đẳng cấp thế giới và châu lục. Thế nhưng, khoảng một tháng trước ngày thi đấu ở ASIAD 17 và Giải Vô địch thế giới, Phước Hưng bị sái cổ, co rút cơ vai, cơ lưng. Lúc đó không thể dừng tập được nên không có thời gian để hồi phục chấn thương, ảnh hưởng đến việc thực hiện các động tác kỹ thuật có độ khó cao".
Điều đáng nói là, Đinh Phương Thành, Đặng Nam đã bất ngờ giành HCĐ ASIAD. "Các VĐV này còn rất trẻ nhưng đã thể hiện được sự tiến bộ rất mạnh mẽ ở kỳ thi đấu này. Thành công ở ASIAD còn giúp các VĐV trẻ rất nhiều trong việc rèn tâm lý thi đấu tại các đấu trường lớn" - HLV Trương Tuấn Hiền đánh giá.
Sau ASIAD 17, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7-2014, các VĐV TDDC Thủ đô tiếp tục khẳng định bản lĩnh khi giành tới 7 HCV, dẫn đầu toàn đoàn một cách thuyết phục. Hiện tại, hầu hết trong số đó đã trở lại tập luyện dưới màu áo ĐTQG, bước vào giai đoạn rèn thể lực và tiếp tục nâng cao độ khó của các bài tập. Tất cả đều ý thức rõ về nhiệm vụ quan trọng của năm 2015, bao gồm thi đấu thành công tại SEA Games 28 (tháng 6, tại Singapore) và Giải Vô địch thế giới (tháng 10, tại Anh). Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, HLV Trương Tuấn Hiền cho biết: "Tại SEA Games 28, TDDC có tất cả 14 bộ huy chương. TDDC Việt Nam đủ lực lượng tham gia tất cả các nội dung, mục tiêu là giành 4 HCV. Bên cạnh đó, Giải Vô địch thế giới có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi đây là cơ hội duy nhất của TDDC Việt Nam trong năm 2015 để đạt mục tiêu giành vé dự Olympic 2016 ở các nội dung toàn năng và đơn môn".
Dù không giấu nổi tiếc nuối vì Nguyễn Hà Thanh (3 HCV Cúp thế giới, 1 HCB, 1 HCĐ Giải Vô địch Châu Á) không thể tiếp tục thi đấu vì chấn thương, nhưng HLV Trương Tuấn Hiền tỏ ra an tâm với dàn VĐV hiện tại, gồm Phạm Phước Hưng, Đinh Phương Thành, Hoàng Cường, Đặng Nam, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Văn Đạt (nam); Phan Thị Hà Thanh, Đỗ Thu Huyền, Đỗ Vân Anh (nữ). Sự góp mặt của những VĐV giàu kinh nghiệm như Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh có ý nghĩa rất lớn đối với lứa trẻ đã được đầu tư từ nhiều năm qua; họ vừa giúp các VĐV trẻ học hỏi về chuyên môn, vừa giúp các em thêm tự tin.
Điều khiến HLV Trương Tuấn Hiền băn khoăn nhất liên quan đến vấn đề thuốc men và phục hồi thể lực cho toàn đội. VĐV TDDC có chế độ dinh dưỡng đặc thù, họ ăn rất ít, rất cần thuốc chăm sóc phục hồi chấn thương. Bởi vậy, nếu áp dụng cách đầu tư thường thấy, trước kỳ thi đấu mới cho các VĐV được hưởng chế độ ăn đặc biệt thì không thể giải quyết được vấn đề của TDDC. Đội tuyển TDDC cần một cơ chế linh hoạt trong việc sử dụng chế độ tiền ăn, tiền thuốc, đặc biệt là cần có một bác sĩ đi kèm bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe, phục hồi chấn thương cho VĐV.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.