(HNM) - Tuần qua, Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.
Chính phủ đã thể hiện một tư duy mới khi tập trung thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, quan tâm chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và hiệu quả đầu tư. Tuy vậy, cần phải làm gì để huy động được 10 triệu tỷ đồng; liệu những hạn chế trong tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 có được khắc phục… là những câu hỏi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra.
Thể hiện tư duy mới
Điểm nhấn của giai đoạn 2016-2020 là thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và bảo đảm tăng trưởng xanh, sạch, bền vững. Chính phủ cũng xác định 3 mục tiêu cụ thể, đó là “Từng bước để cơ chế thị trường giữ vai trò chủ yếu trong phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển”. Cùng với kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ trình Quốc hội 5 nội dung trọng tâm, 70 nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế cụ thể, trong đó có 10 nhiệm vụ tái cơ cấu ưu tiên.
Hầu hết ĐBQH thống nhất cao với Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Kế hoạch) của Chính phủ. ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) rất đồng tình với đánh giá của Chính phủ về kết quả tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015, bởi có thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém mới có thể tái cơ cấu thành công nền kinh tế. ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Chính phủ đã thể hiện một tư duy mới khi tập trung quan tâm chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, Kế hoạch đã đề cập đến một vấn đề mà đề án tái cơ cấu trước đây chưa đề cập. Đó là làm sao nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, trong đó tập trung các giải pháp phát triển các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể, để đảm đương vai trò, khi kinh tế nhà nước giảm dần, thì kinh tế tư nhân phải thay thế.
Công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. Ảnh: Bá Hoạt |
Huy động tổng các nguồn lực
Theo tính toán của Chính phủ, nguồn lực để thực hiện Kế hoạch dự kiến khoảng 10,567 triệu tỷ đồng theo giá thực tế. Trao đổi bên lề, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh) cho biết, trong tổng số nguồn lực thực hiện Kế hoạch, nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách chỉ là 2 triệu tỷ đồng, còn lại là huy động xã hội hóa gồm: Vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), vốn vay, vốn tài trợ, vốn từ các thành phần kinh tế khác trong dân... Ngân sách nhà nước sẽ đầu tư vào những ngành thiết yếu và quan trọng, đây được coi là “vốn mồi”.
Đồng tình với Chính phủ về việc xác định nguồn lực nêu trên, nhiều ĐBQH cho rằng, nguồn lực trong dân còn rất lớn, Chính phủ cần phải quyết tâm đổi mới để tạo ra môi trường thông thoáng, nhất là tạo được lòng tin để người dân yên tâm bỏ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. ĐB Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Hà Nội) nhận định: “Các khoản vốn vay ODA không phải giá rẻ nữa, vay thương mại từ nước ngoài cũng rất khó khăn. Chúng ta phải dựa vào nội lực. Nguồn lực trong dân, trong doanh nghiệp còn rất nhiều”. Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Nội), Nhà nước phải giảm dần vai trò quản lý điều tiết kinh doanh đầu tư, để tập trung vào nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, quy hoạch, giám sát, điều hành vĩ mô. Cho rằng, một trong những hạn chế trong tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua là, trong khi nguồn lực không nhiều nhưng còn trường hợp “chuyển” không đúng địa chỉ, ĐB đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào đầu tư sản xuất.
Tán thành quan điểm tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, các ĐBQH đề nghị phải lựa chọn trọng tâm, trọng điểm. ĐB Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội) phân tích: Theo chuyên gia quốc tế, nước ta có 7 lĩnh vực lợi thế. Nhưng theo tôi, tái cơ cấu nền kinh tế cần tập trung vào 5 lĩnh vực chính là: Công nghệ thông tin, du lịch, kinh tế biển, logistics và nông nghiệp. ĐB Phạm Quang Thanh (Đoàn Hà Nội) bổ sung, nguồn lực của đất nước có hạn, không nên “dải mành mành” mà tập trung vào những ngành có suất đầu tư rẻ như du lịch, công nghệ thông tin… Chính phủ cần xem xét kỹ lưỡng xu hướng tái cơ cấu kinh tế của thế giới, tránh tình trạng sản phẩm làm ra không bán được.
Một điểm đáng chú ý là có ý kiến cho rằng, các địa phương vẫn chưa hiểu rõ vấn đề; tái cơ cấu nền kinh tế chưa có trong suy nghĩ, hành động của nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đi liền với thay đổi tư duy, Chính phủ phải đổi mới hành động, huy động được sức mạnh tổng hợp từ cơ sở.
5 nội dung trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, gồm: 1. Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. 2. Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước: Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công. 3. Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán. 4. Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. 5. Tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ. Chính phủ xác định 10 nhiệm vụ ưu tiên, gồm: 1. Cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân. 2. Kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước một cách thực chất. 3. Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công. 4. Tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chịu áp lực cạnh tranh thị trường. 5. Đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại các tổ chức tín dụng. 6. Mở rộng quy mô, gia tăng số lượng và cải thiện chất lượng nhà đầu tư, các sản phẩm hàng hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bảo hiểm. 7. Hiện đại hóa công tác quy hoạch và kế hoạch. 8. Tập trung phát triển và tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên, dựa trên các sáng kiến và dự án đề xuất và thực hiện bởi khu vực doanh nghiệp. 9. Khuyến khích mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương trở lên, theo các quy định sản xuất xanh, sạch, phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản và bảo đảm chất lượng nông sản trên thị trường. 10. Bãi bỏ hoặc nới lỏng các quy định đang cản trở tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, tiến tới hoàn thiện khung khổ pháp luật thúc đẩy thị trường đất đai hoạt động hiệu quả. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.