Nông nghiệp

Phúc Thọ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Ánh Dương 09/09/2024 - 07:57

Nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, những năm qua, huyện Phúc Thọ hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo quy trình để tạo ra sản phẩm sạch; đồng thời, huyện tập trung xây dựng thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị nông sản…

mo-hinh-trong-rau-thuy-canh.jpg
Mô hình trồng rau thủy canh của hộ gia đình ông Lê Đình Mạnh (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ) cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch và mang lại thu nhập cao. Ảnh: Văn Thái

Nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, Phúc Thọ có 6.911ha đất nông nghiệp, chiếm 58,3% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Được thành phố quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô, Phúc Thọ là một trong những huyện sản xuất nông nghiệp trọng điểm, cung cấp lương thực, thực phẩm cho Hà Nội và các vùng lân cận.

Chú trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân, HĐND huyện Phúc Thọ đã ban hành Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, UBND huyện xây dựng, triển khai Đề án số 07/2022/ĐA-UBND, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với nhiều cơ chế đặc thù, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, như: Hỗ trợ nông dân giống, vật tư; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập huấn kiến thức; xúc tiến thương mại, xây dựng liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ; xây dựng thương hiệu, quảng bá nông sản…

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Cấn Văn Hồng cho biết, từ năm 2022 đến nay, huyện đã bố trí hơn 164 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp giao thông, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương tại các xã, thị trấn, nhằm tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, thúc đẩy phát triển các vùng chuyên canh tập trung. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực mời gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo kết nối giữa người dân và doanh nghiệp, giúp thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản.

Phát triển nông nghiệp dựa trên quy hoạch và thế mạnh, UBND huyện Phúc Thọ đã phê duyệt 2 đề án: Phát triển sản xuất hoa chất lượng cao tại xã Tam Thuấn; phát triển làng nghề hoa, cây cảnh gắn với du lịch sinh thái tại xã Tích Giang. Việc triển khai các đề án này đã tạo sức bật cho phát triển nông nghiệp của hai địa phương nói riêng, huyện Phúc Thọ nói chung. Điển hình tại xã Tam Thuấn, đến nay đã phát triển được hơn 100ha trồng hoa, cây cảnh, tăng 10ha sau hơn 1 năm triển khai đề án.

Chủ tịch UBND xã Tích Giang Nguyễn Đức Trung cũng cho hay: Toàn xã hiện có 140ha hoa, cây cảnh là nguồn thu quan trọng của người dân. Các hộ sản xuất hoa đang dần chuyển đổi theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ chuyển đổi giống hoa, kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước… mang lại giá trị vượt trội với thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phúc Thọ chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: Vùng sản xuất lúa ở các xã: Võng Xuyên, Phụng Thượng, Ngọc Tảo, Hát Môn, Tích Giang, Phúc Hòa, Sen Phương; vùng chuyên trồng hoa tại các xã: Tích Giang, Tam Thuấn; vùng cây ăn quả tại các xã: Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc… trong đó có diện tích 30ha trồng bưởi theo hướng VietGAP tại các xã: Vân Hà, Hiệp Thuận; vùng trồng rau an toàn 480ha tại các xã: Võng Xuyên, Thanh Đa, Thọ Lộc, Vân Phúc; vùng chăn nuôi tập trung tại các xã: Phúc Hòa, Thọ Lộc…

Nhiều sản phẩm nông sản của huyện đã xây dựng được thương hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng như: Bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam, rau Thanh Đa, cà dầm tương, tương nếp Tam Hiệp… Toàn huyện cũng đã có 67 sản phẩm đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); hình thành 8 chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, qua đó giúp nâng cao giá trị nông sản của huyện và nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu thông tin thêm: Với tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp, Phúc Thọ xác định tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi liên kết trong cung ứng, sản xuất và tiêu thụ nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm là giải pháp quan trọng. Thông qua đầu tư đồng bộ cho sản xuất nông nghiệp, huyện đặt mục tiêu xây dựng thành công huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến với vùng nông thôn trù phú, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phúc Thọ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.