Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi cách tiếp cận thị trường Trung Quốc

Lam Giang| 04/05/2023 07:18

(HNM) - Với nhiều yếu tố thuận lợi cũng như quan hệ kinh tế, thương mại lâu đời, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ chủ lực của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới, doanh nghiệp cần đổi mới cách tiếp cận, nâng cao chất lượng hàng hóa.

Đóng gói thanh long xuất khẩu tại Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường (tỉnh Tiền Giang).

Trong các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, Trung Quốc đang giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt trên 35 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 11,5 tỷ USD, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt trên 23,5 tỷ USD.

Những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ chủ lực, đa dạng các mặt hàng của Việt Nam. Điều này có được là bởi hai nước gần gũi về địa lý, thuận tiện thông thương, tương đồng về truyền thống văn hóa, tập quán tiêu dùng; đồng thời có quan hệ kinh tế, thương mại lâu đời. Trung Quốc cũng đã có thỏa thuận hợp tác song phương với Việt Nam và hai bên cùng là thành viên trong nhiều hiệp định thương mại tự do.

Mặt khác với 1,5 tỷ dân, Tổng sản phẩm nội địa (GDP) đứng thứ 2 thế giới, Trung Quốc còn nhiều tiềm năng để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó dư địa ở khu vực miền Tây, miền Đông, miền Bắc của Trung Quốc chưa được khai thác hết. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng dần phục hồi kể từ khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại từ đầu năm nay, sau gần 3 năm phòng, chống dịch Covid-19.

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Trần Quang Huy thông tin, tại một số địa phương có các cửa khẩu biên giới quan trọng đối với thương mại song phương như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, hoạt động thông quan đang ổn định, lượng hàng hóa thông quan tương đương với giai đoạn trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh Triệu Thúy Nga cho biết, hoạt động vận tải khá thuận lợi khi cửa khẩu Quả Viên Cảng (thành phố Trùng Khánh) đã kết nối với tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội (Việt Nam) đến Trùng Khánh (Trung Quốc) qua cửa khẩu Đồng Đăng - Bằng Tường và ngược lại với thời gian chạy tàu khoảng 4-5 ngày.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc hiện có những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu. Mặt khác, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Duy Phú thông tin, Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất, trồng trọt các sản phẩm cùng loại mà Việt Nam có ưu thế như: Thanh long, cà phê, cao su, sầu riêng, chanh leo… Bởi vậy, hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc đang bị cạnh tranh ngày càng gay gắt với các sản phẩm cùng loại.

Trước những khó khăn nêu trên các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận. Đại diện chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây) đề xuất, doanh nghiệp cần tập trung vào một vài ngành hàng hoặc một vài nhóm mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa. Bà Triệu Thúy Nga gợi ý, doanh nghiệp có thể nghiên cứu hợp tác với chợ đầu mối lớn tại Trung Khánh để đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là các chợ đầu mối nông sản với lượng giao dịch từ 5 đến 10 triệu tấn/năm. Quý II và quý III năm nay, Trùng Khánh dự kiến tổ chức đoàn sang Việt Nam tìm kiếm đối tác, nhà cung ứng hàng hóa có tiềm năng.

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi Trần Quang Huy khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần chú ý nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc theo đúng yêu cầu của phía nước bạn.

“Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quy mô tại thị trường Trung Quốc. Trong đó, ngoài tập trung cho các thị trường truyền thống như tỉnh Quảng Tây, sẽ thúc đẩy tới các thị trường mới nằm sâu trong nội địa Trung Quốc như tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc. Vì vậy, các doanh nghiệp nên tham gia tích cực để mở rộng thị trường”, ông Trần Quang Huy cho biết.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo phát huy vai trò của thương vụ, cung cấp thông tin nhu cầu thị trường, các mô hình hải quan, cơ sở hạ tầng của phía bạn; kết hợp với Bộ NN&PTNT ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật; xúc tiến sang thị trường Trung Quốc các ngành hàng nước ta đang có lợi thế; quan tâm và nâng cao hiệu suất thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi cách tiếp cận thị trường Trung Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.