Nông nghiệp - Nông thôn

Nông sản Việt Nam ứng phó với mức áp thuế mới của Mỹ ra sao?

Đỗ Minh 08/04/2025 - 15:27

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I-2025 của cả nước là 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo từng thị trường cụ thể, Mỹ đang là quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 20,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.

Với mức áp thuế Mỹ vừa đưa ra đối với Việt Nam là 46%, gây khó khăn lớn đối với ngành hàng nông sản. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các ngành hàng đang chủ động có những biện pháp để bảo đảm tăng trưởng cũng như xuất khẩu cho nông sản Việt Nam.

Thị trường Mỹ chiếm thị phần xuất khẩu lớn

ho-tieu-xkhau.jpg
Hồ tiêu là mặt hàng xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ. Ảnh: Đỗ Phong

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, quý I-2025, châu Á là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với thị phần chiếm 42%. Xét theo từng thị trường cụ thể, Hoa Kỳ đứng đầu, chiếm thị phần 20,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam; Trung Quốc ở vị trí thứ hai, với thị phần 17,3% và Nhật Bản ở vị trí thứ ba với thị phần 7,7%.

Với phân khúc thị trường trên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam lo lắng trước mức áp thuế này. Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Ngô Hồng Phong thông tin, hiện gỗ, thuỷ sản, cà phê, tiêu…là những mặt hàng xuất khẩu với số lượng lớn vào thị trường Mỹ. Với mức áp thuế 46% Mỹ dự kiến đưa ra đối với Việt Nam, thì các ngành hàng trên sẽ đối diện với nhiều khó khăn.

Ông Phùng Văn Sâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hanfimex, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu và Gia vị Việt Nam (VPSA) cho rằng, thị trường Mỹ nhập khoảng 30% hồ tiêu. Thông tin về mức áp thuế 46% của Mỹ, khiến các doanh nghiệp hết sức bất ngờ. Nhiều hợp đồng đã ký với đối tác Mỹ phải dừng lại hoặc hủy, vì đối tác lo sợ thuế tăng sẽ rất rủi ro. “Riêng mặt hàng hồ tiêu, VPSA có phần tự tin khi Trung Quốc không xuất sang Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với đối thủ Brazil. Nếu mức thuế 46% áp dụng, rất nhiều nông dân sẽ bị ảnh hưởng”, ông Phùng Văn Sâm chia sẻ.

Một trong những ngành hàng đáng quan ngại là gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, quý I-2025 xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 53,1%.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho biết, thị trường Mỹ chiếm tới 50% thị phần xuất khẩu gỗ của Việt Nam; trong đó, mỗi năm ngành hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ xuất khẩu đạt từ 15 đến 16 tỷ USD, nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ đang được áp dụng thuế 0%, nếu tăng lên 46% thì là trở ngại lớn cho ngành hàng này.

thuy-san-xkhau.jpg
Thuỷ sản là ngành hàng chịu nhiều tác động, nếu Mỹ áp mức thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam. Ảnh: Đỗ Phong

Còn theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam, các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu sang Mỹ đang phân bố trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố với hơn 400 doanh nghiệp. Lực lượng sản xuất và đầu tư cho các nhà máy sản xuất này rất lớn, nếu như thuế đối ứng không có sự thay đổi, rõ ràng với mức thuế 46% là rất khó để cạnh tranh, đơn hàng giảm sút và tác động trở lại vấn đề an sinh xã hội.

Ứng phó linh hoạt, mở rộng thị trường

Trước mức áp thuế mới của Mỹ, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp để xuất khẩu nông sản không bị ảnh hưởng. Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Gia vị Việt Nam đã có mặt tại Mỹ để đàm phán trực tiếp. Hiệp hội Gia vị Mỹ cũng đề nghị Chính phủ nước này không nên áp mức thuế 46% lên hồ tiêu và gia vị Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn Trương Thị Lệ Khanh cho rằng, mặt hàng thủy sản có nhiều cơ sở để kéo giảm mức thuế xuống thấp nhất. Bởi, nguyên liệu cho ngành thủy sản cá tra không nhập khẩu, mà sử dụng nguồn từ trong nước là chính. Mặt khác. các doanh nghiệp cũng nên cân đối dịch chuyển nhu cầu mua hàng từ Mỹ và các nước Bắc Mỹ, có chịu sự kiểm soát của Mỹ để góp phần cân bằng cán cân thương mại.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã dự kiến những giải pháp mang tính trước mắt và lâu dài. Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Ngô Hồng Phong thông tin, trước mắt Việt Nam cần tạo điều kiện về logistics, thủ tục hải quan... để doanh nghiệp đẩy nhanh việc giao hàng trong thời gian từ 1 đến 3 tháng tới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu sang Mỹ cần chủ động trao đổi với khách hàng, đối tác nhập khẩu để có phương án xử lý các hợp đồng đã ký kết, cùng chia sẻ trách nhiệm khi bị áp thuế bổ sung. “Tiếp tục xem xét phương án xử lý đối với các nội dung mà phía Mỹ quan ngại, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ để tránh việc Mỹ cho là gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc và xem xét quyết định cuối cùng về phương án đề xuất áp thuế về 0%”, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Ngô Hồng Phong cho hay.

ca-phe-xk.jpg
Thị trường Mỹ chiếm thị phần xuất khẩu khá lớn đối với cà phê Việt Nam. Ảnh: Đỗ Phong

Về dài hạn, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chuyển hướng thị trường xuất khẩu sang một số nước có FTA (Hiệp định Thương mại tự do) với Việt Nam, tương ứng với tiêu chí về dung lượng thị trường, có thể là Trung Quốc hoặc châu Âu. Phân tích từng mặt hàng gắn với nhu cầu của thị trường nhập khẩu. Đơn cử như gỗ và sản phẩm gỗ hướng đến Nhật Bản, Trung Quốc, EU; thủy sản hướng đến Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc; hạt điều hướng đến EU, Trung Quốc, UAE, Anh; hạt tiêu hướng đến EU, UAE, Ấn Độ, Trung Quốc; cà phê hướng đến Đức, Italia và Nhật Bản… Dù ở thị trường nào thì chất lượng, mẫu mã và tiêu chuẩn cần được chuẩn hoá ở mức cao nhất, tránh bị động vào một thị trường cụ thể.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã nỗ lực thực hiện các giải pháp ứng phó linh hoạt với thuế suất từ Mỹ. Tuy nhiên, việc công bố mức thuế 46%, khiến nhiều cơ quan, hiệp hội ở Mỹ cũng bất ngờ.

Tại cuộc họp mới đây với các doanh nghiệp, hiệp hội, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, hiện vẫn còn nhiều khó khăn và khó đoán định. Các doanh nghiệp cần phải tính đến tình huống xấu nhất, nếu thuế suất không thay đổi để có phương án cụ thể. Phương châm xử lý của Chính phủ, bộ, ngành là bình tĩnh, ứng phó linh hoạt, đặc biệt là coi trọng đàm phán. Trên tinh thần Chính phủ đồng hành, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đề nghị các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, thống nhất vì lợi ích chung. Mỹ vẫn là thị trường lớn, quan trọng đối với nông sản Việt. Vì thế, việc đàm phán phải dựa vào lợi thế nông sản Việt, thuộc nhóm ngành hàng thiết yếu; không cạnh tranh trực tiếp mà bổ trợ cho nhau; có chất lượng tốt, giá canh tranh; Mỹ cũng không có nhiều lựa chọn từ bên thứ 3.

Tại cuộc họp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng thống nhất các đề xuất của hiệp hội, doanh nghiệp để trình Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cũng cho rằng, thách thức này là điều kiện, yêu cầu, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực tái cấu trúc sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động mở rộng thị trường cũng như tăng cường đầu tư hệ thống tạm trữ.

“Bộ sẽ có giải pháp cũng như chỉ đạo các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân duy trì sản xuất ổn định, giữ vững vùng nguyên liệu và an sinh xã hội liên quan hàng chục triệu hộ nông dân cả nước”, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông sản Việt Nam ứng phó với mức áp thuế mới của Mỹ ra sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.