Nông nghiệp - Nông thôn

Tuân thủ nghiêm quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc

Ngọc Quỳnh 19/09/2024 - 14:00

Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân. Đây là cơ hội để ngành hàng này nâng cao giá trị, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi.

Ngày 19-9, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc.

quang-canh-hoi-nghi-19-9.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Khai mạc hội nghị, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng và còn nhiều cơ hội rộng mở cho nông sản Việt tăng thị phần và giá trị xuất khẩu.

Ngày 19-8-2024, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân. Đây là cơ hội để ngành hàng này nâng cao giá trị, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi…

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt lưu ý, thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, vùng trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định tại Nghị định thư vừa ký kết.

Theo đó, về sầu riêng đông lạnh: Bao gồm quả sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), có nguồn gốc từ các vùng trồng sầu riêng được đăng ký, quản lý và giám sát tại Việt Nam phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; nâng cao công nghệ cấp đông, chất lượng sản phẩm và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát quy trình sản xuất sầu riêng đông lạnh.

sau-rieng-dong-lanh.jpg
Trung Quốc yêu cầu các công đoạn như tách vỏ, tách múi và chế biến khác của sầu riêng đông lạnh phải được thực hiện bởi các nhân viên được chỉ định. Ảnh: Minh Quý
dong-lanh.jpg
Sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác. Ảnh: Minh Quý

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói để bảo đảm không xảy ra sai sót nào có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cuối cùng; cần có hệ thống truy xuất nguồn gốc và các biện pháp quản lý cũng như giám sát sinh vật gây hại.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, chế biến sầu riêng đông lạnh, cần nghiên cứu kỹ các quy định của Trung Quốc và tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của Nghị định thư và quy định của Trung Quốc; chủ động xây dựng các chuỗi liên kết thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói và doanh nghiệp xuất khẩu, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm việc truy xuất khi có yêu cầu; tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam, đầu tư nâng cấp công nghệ cấp đông, kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Với 12 tiêu chí về an toàn thực phẩm, sau hội nghị này, Cục Bảo vệ thực vật sẽ có hướng dẫn cụ thể. Khi doanh nghiệp nộp hồ sơ, Cục sẽ có thông báo sau 3-7 ngày về địa chỉ email đăng ký trên hệ thống, nếu có điểm nào chưa rõ sẽ được giải thích rõ ràng…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tuân thủ nghiêm quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.