Qua ba ngày Tết Nguyên đán, mùa hội xuân năm Giáp Thìn 2024 bắt đầu náo nhiệt. Tính ra, ở Việt Nam có chừng gần vạn lễ hội thuộc đủ thể loại, bao gồm lễ hội dân gian, lễ hội hiện đại, lễ hội du nhập từ nước ngoài... Trong số này, đại đa số là lễ hội dân gian truyền thống có lịch sử lâu đời, chỉ riêng tại Hà Nội đã có hơn 1.000 lễ hội thuộc loại này.
Đa số lễ hội truyền thống diễn ra vào dịp đầu xuân, như phân tích với một đất nước nông nghiệp trước đây thì đó là khoảng thời gian nông nhàn, khí hậu phù hợp với việc du xuân, vui hội. Bởi vậy, ngay cả trong thời hiện đại chợ búa có khi họp từ mùng 2 Tết, hàng quán dịch vụ mở cửa xuyên Tết thì vào đầu xuân năm mới con người vẫn không buông bỏ tâm lý xả hơi, nói “người người trảy hội” là vì thế.
Trước một mùa lễ hội mới, đã từ nhiều năm nay, năm nào Chính phủ cũng phải lưu ý các địa phương định ra kế hoạch quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội trên địa bàn sao cho bảo đảm văn minh, an toàn, rõ ý nghĩa giáo dục truyền thống và đẩy lùi hủ tục, loại bỏ vấn nạn mê tín dị đoan. Năm nay, trước Tết Nguyên đán, Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện số 11/CĐ-TTg về việc duy trì nếp sống văn minh, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân. Cũng trong dịp này, các tỉnh, thành phố và ngành Văn hóa cũng có văn bản về vấn đề này, báo chí tăng cường tuyên truyền về những biểu hiện lệch lạc trong công tác tổ chức lễ hội, nạn mê tín dị đoan, “ma trận buôn thần bán thánh”...
Những động thái chấn chỉnh có tính lặp đi lặp lại của cơ quan quản lý cho thấy ngoài mặt tốt đẹp thì công tác tổ chức lễ hội và thái độ ứng xử của người dự hội còn có điều chưa ổn. Trong những gì “chưa được” mà ai cũng có thể thấy được, đáng sợ nhất là tệ mê tín dị đoan, lợi dụng thần thánh để làm u mê lòng người, qua đó trục lợi. Người ta lén lút hoặc công khai gieo quẻ, xin số, cúng dâng sao giải hạn... tại lễ hội và một số cơ sở thờ tự; quảng bá dịch vụ xem bói, yểm bùa... trên không gian mạng. Ranh giới giữa chính tín và mê tín thật mong manh, thành tâm lẫn với thái độ xin xỏ lúc nào không hay. Lòng tin u mê và thói trục lợi, buôn thần bán thánh không chỉ dẫn đến sự bát nháo cho hoạt động lễ hội, mà còn gây tổn thất cả về tâm lý, sức khỏe, tiền bạc của nhiều người, là “đường dẫn” lòng tin con người hướng tới hoạt động đa cấp, những tổ chức, giáo phái hoạt động trái pháp luật Việt Nam... Đó là điều cần phải dẹp bỏ, không chỉ vì mục tiêu làm cho hoạt động lễ hội văn minh, nêu cao giá trị truyền thống tốt đẹp, khơi gợi ý thức hướng về cội nguồn, củng cố tình đoàn kết giữa người với người mà còn bảo đảm hạnh phúc, sự an toàn của mỗi gia đình, toàn xã hội.
Trước nay, khi nói về nguyên nhân và giải pháp bài trừ mê tín dị đoan và hậu quả từ đó, thường thấy sự chỉ trích chủ yếu hướng tới phía reo rắc, truyền bá tư tưởng lệch lạc và có hành vi lôi kéo người dân vào các hoạt động mang màu sắc mê tín, đòi hỏi cơ quản lý các cấp có biện pháp mạnh tay đủ sức răn đe. Đề nghị đó là đúng, nhưng dường như vẫn mang tính “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, chưa coi trọng đầy đủ về giải pháp quan trọng nhất cần tập trung làm thật tốt, làm đến cùng. Đó là nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này thông qua hành động mang tính thực chất, thiết thực, hướng tới hiệu quả bền vững. Về vấn đề này, cần kiên trì thực hiện tốt hơn nữa, cụ thể và sát thực tế hơn nữa khi đưa nội dung bài trừ mê tín dị đoan vào bài học trong nhà trường để tạo ra những lớp người nhận rõ bản chất vấn đề ngay từ nhỏ, trở thành lực lượng chủ chốt luôn tự giác thực hành nếp sống văn minh trong tương lai gần. Nội dung này cũng cần được lưu ý thường xuyên tại các cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng, đơn vị lực lượng vũ trang, hội, đoàn thể nhằm thúc đẩy ý thức nêu gương của cán bộ, đảng viên, loại trừ khả năng tiếp tay cho hoạt động truyền bá mê tín dị đoan từ những người có chức quyền... Đó là giải pháp lấy xây để chống, tạo sự chuyển biến vững bền.
Chỉ khi nhận rõ bản chất của chính tin và mê tín, thấu hiểu tác hại to lớn từ việc đặt lòng tin nhầm chỗ thì người dân mới có thể tự giác, chủ động tránh xa tệ nạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.