Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ

Đà Đông| 11/05/2013 08:22

(HNM) - Với bốn nhóm biện pháp về cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, nhà cũ trong khu vực nội thành vừa được UBND TP Hà Nội đề xuất nhằm cụ thể hóa Điều 16 của Luật Thủ đô, nhiều người kỳ vọng đây sẽ là các giải pháp hữu hiệu giúp Hà Nội giải bài toán khó cho hơn 1.000 chung cư, nhà cũ

Tại Hà Nội, chẳng khó để tìm ra các khu chung cư cũ kỹ, lâu năm và đang xuống cấp. Cách trung tâm Bờ Hồ không xa, tại khu tập thể 11 Vọng Đức (còn gọi là khu tập thể Nhà máy Điện cơ cũ) thuộc phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, cả trăm con người hằng ngày vẫn đang sống và sinh hoạt trong những căn hộ tối tăm, ẩm thấp được xây từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cả dãy chỉ có hai nhà vệ sinh chung, các gia đình phải tự vá víu, cơi nới thêm bếp ăn, nhà tắm nên khu nhà vốn đã cũ kỹ càng thêm xập xệ, quá tải. Cách đó không xa, dãy nhà tập thể ba tầng tại 23 Hàng Bài cũng cũ kỹ, già nua với những trần nhà đen xì, tường nhà bong tróc từng mảng, có chỗ trơ cả khung sắt. Một người dân ở đây chia sẻ, khu nhà xuống cấp đã lâu nhưng chúng tôi muốn sửa cũng khó vì vướng quy định nghiêm ngặt về cải tạo, phải giữ nguyên hiện trạng, không được làm mái tôn, xây tường gạch chứ đừng nói đến xây mới.

Việc thiếu quỹ nhà tạm cư cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án cải tạo chung cư cũ chưa được thực hiện. Ảnh: Đàm Duy



Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 1.155 nhà chung cư cao 4-6 tầng, 10 khu nhà cũ (1-3 tầng) và các nhà thuộc diện vắng chủ, cải tạo, tập trung tại các quận nội thành với tổng diện tích khoảng 5 triệu mét vuông. Trong đó, các chung cư cũ phần lớn được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước. Còn các khu nhà cũ, đa phần được xây dựng sau năm 1954 để phân phối cho nhân dân lao động và cán bộ như khu Tân Mai, An Dương, Lương Yên - Thúy Ái, khu 17 nhà gỗ ngoài đê phường Chương Dương…

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, các khu chung cư cũ, nhà cũ trên địa bàn đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu sử dụng nên việc cải tạo, xây mới là hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thành phố mới giải quyết được 1% số nhà chung cư cũ, triển khai 2/3 khu chung cư cũ thí điểm xây dựng mới theo kế hoạch, trong đó tập trung giải quyết các nhà chung cư cũ nguy hiểm buộc phải di dời để bảo đảm an toàn cho người sử dụng như B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, I 1-2-3 Thành Công, C7, D6, D2 Giảng Võ.

Nhà nước sẽ giữ vai trò điều phối

Nhu cầu cải tạo các chung cư cũ, nhà cũ của Hà Nội là rất lớn, song quá trình triển khai, thành phố đang gặp không ít khó khăn. Theo quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực nội đô lịch sử cần phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu người xuống còn 0,8 triệu người. Chính phủ cũng yêu cầu thành phố kiểm soát chiều cao các công trình trong nội thành nên việc bảo đảm bài toán kinh tế, cân đối tài chính cho chủ đầu tư, cải thiện diện tích ở cho người dân trong khu vực dự án, hạn chế tăng dân số khu vực này là khó khả thi.

Bên cạnh đó, nhiều dự án không thể triển khai vì các chủ đầu tư chưa tìm được tiếng nói chung với người dân đang sinh sống trong phạm vi dự án trước những yêu cầu về tăng diện tích tái định cư, kinh phí hỗ trợ, thậm chí là phân chia lợi nhuận sau đầu tư. Việc thiếu quỹ nhà tạm cư, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản đóng băng… cũng là nguyên nhân khiến nhiều dự án cải tạo chung cư cũ vẫn "án binh bất động".

Để tháo gỡ những khó khăn này và nhằm cụ thể hóa Điều 16, Luật Thủ đô (quy định giao HĐND, UBND TP Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành biện pháp thực hiện cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng và mỹ quan đô thị), UBND TP Hà Nội vừa xây dựng bốn nhóm biện pháp khắc phục. UBND TP xác định cải tạo, xây dựng chung cư cũ, nhà cũ là nhiệm vụ lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, khó giải quyết cần được đưa vào nhiệm vụ trọng tâm và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Việc ưu tiên xử lý nhà nguy hiểm, cải tạo chung cư để bảo đảm an toàn cho người sử dụng được đặt lên hàng đầu, không vì mục tiêu cân đối tài chính của dự án mà tăng sức ép lên hệ thống hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị. Theo đó, thành phố sẽ bố trí nguồn ngân sách để thực hiện quy hoạch chi tiết và công bố công khai, không để nhà đầu tư tự lập quy hoạch chi tiết và tự thỏa thuận với người dân, gây sức ép với cơ quan phê duyệt quy hoạch. Đây là điểm mới đáng lưu ý bởi thay vì giao toàn bộ cho doanh nghiệp theo hình thức xã hội hóa như trước đây, Nhà nước sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các dự án để điều phối hợp lý quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và vẫn bảo đảm được cảnh quan, kiến trúc đô thị.

Ngoài ra, thành phố cũng đưa ra nhiều giải pháp ưu đãi với người dân và chủ đầu tư trong quá trình thực hiện, như sẽ cho phép nhà đầu tư xây dựng quỹ nhà trung chuyển để tạm cư. Với người dân trong khu vực này, nếu không có nhu cầu mua nhà tái định cư tại chỗ thì được ưu tiên mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Nếu chủ sở hữu bán căn hộ chuyển đi nơi khác được miễn các loại thuế liên quan đến việc mua bán cũng như thuế thu nhập cá nhân...

Thống nhất quan điểm Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện các dự án, trong quá trình hoàn thiện để sớm đưa ra trình HĐND TP tại kỳ họp tổ chức vào cuối tháng 6 tới, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung các chế tài xử lý đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, không thực hiện các quy định chung. Hy vọng rằng, với các nhóm giải pháp mang nhiều điểm mới, hàng nghìn khu chung cư, nhà cũ của Thủ đô sẽ được cải tạo, giúp người dân "an cư lạc nghiệp".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.