(HNM) - Lãnh đạo Bộ Tài chính vừa chỉ đạo: Ngay trong tháng 7, Tổng cục Thuế phải nghiên cứu, đề xuất lựa chọn doanh nghiệp trong danh sách do Trung tâm Phòng chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp để bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Dự kiến Thanh tra Tổng cục Thuế sẽ trực tiếp thanh tra, kiểm tra đối với nhóm doanh nghiệp có khả năng thất thoát tiền thuế trên 50 tỷ đồng. Theo các cơ quan chức năng, tổng số giao dịch đáng ngờ hằng năm của doanh nghiệp đã lên tới con số hàng chục nghìn tỷ đồng. Đáng nói hơn, tội phạm rửa tiền đã xâm nhập sâu vào nhiều lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề như các ngân hàng, hiệp hội thể thao, cơ sở văn hóa, thậm chí cả cơ quan từ thiện.
Hoạt động rửa tiền đội lốt dưới nhiều hình thức, luồn lách trên nhiều thị trường, trong đó có bất động sản - một kênh đầu tư hợp pháp. Hiện nay, cơ quan chức năng chưa đưa ra được con số cụ thể về hoạt động rửa tiền trong lĩnh vực này, nhưng theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhà đất, đã xuất hiện nhiều trường hợp có biểu hiện rửa tiền với giá trị rất lớn. Nhiều khu đất, nhiều tòa nhà đã trở thành công cụ để thực hiện những mục tiêu giao dịch biến tiền "bẩn" thành tiền "sạch", chuyển tiền từ túi người này sang túi người kia. Không ngoại trừ các hành vi rửa tiền qua bất động sản có thể làm nảy sinh "bong bóng bất động sản" và tình trạng giá "trên trời".
Tiền "bẩn" và hoạt động rửa tiền đang làm chao đảo sự tín nhiệm của xã hội đối với các thị trường bất động sản, tài chính… Nhìn từ quan điểm tăng trưởng vĩ mô, đây là vấn đề hết sức nguy hiểm. Còn nhìn từ góc độ xã hội thì sao? Trước hết cần xem đến đối tượng rửa tiền. Họ là ai? Là những kẻ buôn lậu, những kẻ tham nhũng, những kẻ muốn trốn thuế… Nói chung là những kẻ muốn giữ kín thu nhập thật sự của mình. Những kẻ tham nhũng, rửa tiền và kinh doanh bất chính thường liên kết chặt chẽ và tiếp sức cho nhau làm băng hoại xã hội… Nhưng đáng nói, việc phòng chống nạn rửa tiền đang gặp không ít vấn đề.
Phát hiện các trường hợp rửa tiền đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, công cụ như điều tra tội phạm và cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan. Chứng minh đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự càng khó hơn (Trong cấu thành tội phạm tội rửa tiền ở nước ta hiện nay không quy định cụ thể số lượng tiền, tài sản được rửa có giá trị bao nhiêu thì phạm tội). Luật không quy định, hướng dẫn cũng không có nên dù phát hiện ra dấu hiệu rửa tiền, các cơ quan tố tụng không có căn cứ để xử lý hình sự. Chưa kể người Việt Nam có thói quen sử dụng tiền mặt, trong khi lại thiếu một cơ chế quản lý rõ ràng nên khó có thể làm minh bạch nguồn gốc các khoản tiền.
Tóm lại, rửa tiền đã, đang và tiếp tục là vấn nạn đối với nền kinh tế và toàn xã hội. Do vậy, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch đáng ngờ là hết sức cần thiết. Thế nhưng, nếu không có chế tài đủ mạnh để bắt buộc doanh nghiệp, người dân khai báo, chứng minh nguồn gốc những khoản tiền lớn; nếu không từng bước hạn chế thói quen sử dụng tiền mặt trong giao dịch… thì việc phát hiện và ngăn chặn tội phạm rửa tiền vẫn là cả vấn đề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.