(HNMO) - Khi giá xăng dầu biến động nhanh và mạnh như thời gian qua, nguồn cung xăng dầu cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh cơ bản được đảm bảo, nhưng nhiều nhà bán lẻ gặp khó bởi nhiều quy định hiện hành chưa phù hợp.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; 60 thương nhân phân phối; 1 thương nhân làm tổng đại lý; 29 đại lý bán lẻ. Hệ thống khu dự trữ xăng dầu hiện nay trên địa bàn thành phố có công suất chứa khoảng 1.232.129m3. Tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân trên địa bàn đạt 6.880m3/ngày.
Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, kết quả kiểm tra liên ngành thời gian qua cho thấy, hầu hết cửa hàng bán lẻ xăng dầu đều mở cửa trong những thời điểm biến động giá cả (chỉ có 2 cửa hàng đóng cửa để sửa chữa và có xin phép). Tuy nhiên, có một số cửa hàng tạm hết xăng hoặc dầu.
“Nguyên nhân được xác định là do một số doanh nghiệp đầu mối, thương nhân cung cấp xăng dầu chưa đảm bảo việc cung cấp đủ số lượng xăng dầu hoặc cung cấp thiếu hụt ở một số thời điểm, dẫn đến tình trạng một số cửa hàng xăng dầu thiếu hàng cục bộ, chưa đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của khách hàng”, ông Nguyễn Nguyên Phương nói.
Tìm hiểu thực tế, cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều quy định bất hợp lý trong lĩnh vực quản lý, bán lẻ xăng dầu đang gây khó cho cả doanh nghiệp đầu mối, thương nhân cung ứng và các nhà bán lẻ. Đơn cử như việc kỳ điều chỉnh giá không áp dụng vào ngày nghỉ, lễ, tết… trong khi giá nhập xăng dầu tăng giảm bất cứ lúc nào, khiến người bán xăng có thể bị lỗ nặng.
Cùng với đó, nhiều khoản chi phí, phụ phí xăng dầu chưa được tính vào cơ cấu giá bán lẻ khiến nhiều doanh nghiệp càng bán càng lỗ. Điển hình như việc công thức tính giá thành đang quy định cố định tiền vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam là 2,5 USD/thùng, trong khi giá thực tế là khoảng 6 USD/thùng. Giá vận chuyển xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đại lý chưa được tính vào giá bán. Vì vậy, doanh nghiệp đầu mối có lúc không có lãi, nên chiết khấu 0 đồng cho nhà bán lẻ. Đến lượt nhà bán lẻ, chi phí kho bãi, nhân viên, hạ tầng cây xăng khoảng 600 đồng/lít, nhưng không được tính vào giá bán, khiến họ càng bán càng lỗ.
Ngoài ra, việc quy định nhà bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng với một đầu mối duy nhất, dẫn đến việc khi đầu mối này không cung ứng đủ xăng dầu thì nhà bán lẻ không thể nhập hàng nơi khác để bán. Điều này vừa gây thiếu hụt nguồn cung, vừa triệt tiêu tính cạnh tranh trên thị trường. Ngành Công Thương đã đề xuất Bộ Tài chính xem xét lại cơ cấu tính giá bán lẻ xăng dầu (áp dụng từ năm 2014), nhưng hiện chưa có quy định mới.
Ngày 24-9, UBND thành phố Hồ Chí Minh thông tin, thành phố đã tập hợp các bất cập nêu trên trong văn bản báo cáo, kiến nghị Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xem xét giải quyết, sớm thay đổi những quy định quản lý thị trường xăng dầu không còn phù hợp, tạo cộng hưởng giữ ổn định thị trường xăng dầu trong dài hạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.