Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Đồng hành để doanh nghiệp phát triển

Phương Nam| 12/09/2022 07:28

(HNM) - Thời gian gần đây, chính quyền các cấp thành phố Hồ Chí Minh liên tục tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để cùng nhận diện khó khăn, tháo gỡ vướng mắc. Tất cả nhằm đồng hành, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, đóng góp ngày càng nhiều cho thành phố.

Các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền thành phố.

Nhận diện những vướng mắc

Tại các hội nghị gặp gỡ giữa doanh nghiệp với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hồ Chí Minh, đại diện nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ những khó khăn do thủ tục hành chính kéo dài, dẫn tới mất thời gian, tăng chi phí gián tiếp, gây khó cho doanh nghiệp. Chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SBA), Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam Hồ Uyên phản ánh: “Có doanh nghiệp xin xây công trình phụ trợ (như ki ốt, mái che, khu vực để xe, nhà vệ sinh...) cũng phải chờ ý kiến của Thanh tra Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và chính quyền địa phương…, khiến thời gian chờ cấp phép có thể đến 2 năm”.

Còn các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) phản ánh giao thông trong khu công nghiệp chưa bảo đảm, kết nối thiếu đồng bộ, hay bị ngập lụt… ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Khu công nghiệp còn thiếu nhà lưu trú cho công nhân, thiếu trường học… nên chưa tạo được môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động.

Trong khi đó, tại Hội nghị tiếp xúc giữa doanh nghiệp và chính quyền do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức, đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 4 phản ánh từ năm 2016 đến nay, doanh nghiệp phải đóng tiền sử dụng đất tạm tính lên đến 60 tỷ đồng cho diện tích chênh lệch so với thực tế, khiến phần vốn hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tương tự, Tổng công ty Bến Thành đang phải đóng tiền thuê đất tại phường Tân Thới Hiệp (quận 12) cho diện tích hơn 13.600m2 được giao theo quyết định cũ, trong khi doanh nghiệp chỉ sử dụng thực tế hơn 8.000m2 theo quyết định giao đất mới…

Theo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp do Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) vừa công bố, những khó khăn thời kỳ hậu Covid-19 khiến 31% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường; 51% doanh nghiệp gặp khó khăn giá nguyên liệu đầu vào tăng; thiếu vốn kinh doanh chiếm 31%; hơn 53% doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động chất lượng cao...

“Lắng nghe và hành động”

Về vấn đề doanh nghiệp gặp khó khi muốn xây công trình phụ trợ, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Thi cho biết, cơ quan chức năng đã thống nhất để Ban là đầu mối tiếp nhận đề nghị của doanh nghiệp và làm việc với cơ quan chức năng để giải quyết các thủ tục theo cơ chế "một cửa" liên thông.

Đối với vấn đề xác định giá tiền sử dụng đất, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho hay: “Sở Tài nguyên và Môi trường đã ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp và đang báo cáo thành phố tìm cách khắc phục cũng như kiến nghị giải quyết việc quá thẩm quyền để có câu trả lời sớm nhất”.

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Duy An thông tin, tại "Lễ ký kết hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp" do UBND quận 1 phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và Sở Công Thương vừa tổ chức, có 102 khách hàng đã ký kết với 3 tổ chức tín dụng vay tổng nguồn vốn 4.902 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tại quận Tân Phú, Hội Liên hiệp phụ nữ quận vừa ra mắt mô hình “Điểm hẹn cà phê khởi nghiệp”, dành cho 30 thành viên là các doanh nhân, phụ nữ khởi nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm. Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp quận Tân Phú Huỳnh Thị Hồng cho biết, "Điểm hẹn cà phê khởi nghiệp" còn là nơi các nữ doanh nhân trưng bày, giới thiệu sản phẩm, ngành nghề kinh doanh của mình để tìm kiếm đối tác.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ, với phương châm “Lắng nghe và hành động”, thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp. Thành phố phấn đấu hết năm 2022 sẽ khôi phục xong những gãy đổ của chuỗi cung ứng sau dịch Covid-19 để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2023 đến 2025, thành phố tiếp tục giải quyết các điểm nghẽn để doanh nghiệp phát triển.

Còn Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Ban Thường vụ Thành ủy đã có chủ trương thành lập ban chỉ đạo xử lý các vấn đề còn tồn đọng.

"Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo triển khai ngay mô hình ban chỉ đạo trong tháng 9-2022 để giải quyết cả những vướng mắc của doanh nghiệp và thành phố. Khi giải quyết được những tồn đọng này, không những thành phố tháo gỡ được từng vụ việc cụ thể mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển về lâu dài", Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Đồng hành để doanh nghiệp phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.