Góc nhìn

Kiến tạo cơ hội để doanh nghiệp phát triển

Gia Khánh 25/06/2024 - 06:22

Một tin vui đến với cộng đồng doanh nghiệp, đó là Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, ngày 23-4-2023, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, thời gian thực hiện đến hết ngày 30-6-2024.

Theo đó, thời hạn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ kéo dài thêm 6 tháng, đến ngày 31-12-2024.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm 2024 cơ bản ổn định, kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, dự báo tiếp tục kéo dài trong năm 2024. Việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế.

Thực tế, việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đồng nghĩa doanh nghiệp không bị rơi vào nhóm nợ xấu, nhóm có rủi ro về tín dụng; từ đó, có điều kiện tiếp tục tiếp cận vốn vay mới của ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Quan trọng hơn, việc giúp giảm áp lực trả nợ tạo điều kiện để doanh nghiệp quay vòng vốn, có thêm nguồn lực đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Từ góc độ ngân hàng thương mại, chính sách này hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bởi trong những tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng chậm một phần là do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp giảm, nhiều đơn vị thiếu điều kiện được vay vốn do vướng khoản nợ cũ. Và việc phục hồi sản xuất, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp có dòng tiền thanh toán các khoản nợ tín dụng ngân hàng, giảm rủi ro nợ xấu cho ngân hàng, đồng thời đóng góp cho ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, từ tác động của dịch bệnh đến ảnh hưởng của kinh tế thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 98,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập và trở lại hoạt động, nhưng cũng có tới 97,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, bình quân mỗi tháng có 19,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, trong khi có 19,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp cần được hỗ trợ đồng bộ, thường xuyên, liên tục và nhiều hơn nữa.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng sẽ thiết thực và hiệu quả hơn khi họ được hỗ trợ để nhanh chóng khai thác cơ hội kinh doanh. Doanh nghiệp cần có vốn sản xuất, kinh doanh, nhưng để làm được thì cần có cơ hội, điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy, môi trường đầu tư, kinh doanh phải thông thoáng hơn, hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, các thủ tục hành chính công khai, minh bạch, không còn rào cản khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội phát triển. Theo đó, các cấp, ngành phải thực sự phục vụ doanh nghiệp, coi công việc của doanh nghiệp là công việc của mình để giải quyết rốt ráo. Bài học từ các địa phương đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh luôn tỷ lệ thuận với cơ hội kinh doanh, thu hút đầu tư và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực tế vẫn còn câu chuyện cơ chế xin - cho, giấy phép con, điều kiện kinh doanh mới và còn những dự án ì ạch bởi ách tắc thủ tục. Biến động chính sách, pháp luật vẫn tiếp tục đứng trong nhóm các khó khăn chủ yếu mà doanh nghiệp gặp phải. Điều đó có nghĩa, đồng hành với doanh nghiệp không thể là khẩu hiệu suông mà phải thực sự biến thành sự kiến tạo cơ hội để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiến tạo cơ hội để doanh nghiệp phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.