Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Bước đột phá để phát triển bền vững

NGUYỄN LÊ| 07/11/2022 07:35

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây được xem là cơ chế kịp thời, mở ra cơ hội tạo bước đột phá mới trong cách nghĩ, cách làm, giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sáng tạo vì lợi ích chung.

Những cách làm hiệu quả

Sau 20 năm “đắp chiếu”, cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) đã có 100% mặt bằng để thi công, dự kiến công trình hoàn thành cuối năm 2023. Góp phần vào kết quả này, ngay sau khi hết giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, từ tháng 10-2021, UBND huyện Nhà Bè thường xuyên tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại với các hộ dân để tuyên truyền, vận động, nhờ vậy đã có 100% hộ dân đồng ý bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thi công dự án cầu Long Kiểng.

Còn tại quận 7 - nơi đất chật người đông, nhưng chính quyền quận đã kiên trì, nỗ lực vận động người dân hiến đất mở rộng đường, mở rộng hẻm, thậm chí mở mới cả một tuyến đường để phục vụ việc đi lại thuận tiện hơn. Đơn cử, cuối tháng 8 vừa qua, UBND quận 7 đã tổ chức thông xe đường D6 (từ điểm giao đường Nguyễn Văn Quỳ đến đường Trần Trọng Cung), dài khoảng 200m, lộ giới 24m) với tổng kinh phí xây dựng khoảng 100 tỷ đồng. Điều đặc biệt là toàn bộ số tiền đầu tư xây dựng tuyến đường được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa; trong khi người dân tại khu vực đồng thuận hiến đất làm đường.

Phó Chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành cho biết, quận 7 đang phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chia sẻ, chung sức của các tầng lớp nhân dân. “Kết quả đạt được đến từ sự năng động, sáng tạo, gần dân, hiểu dân và trách nhiệm với nhân dân của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của chính quyền các cấp trong quận”, ông Lê Văn Thành nói.

Trong khi đó, nhiều đoàn viên thanh niên thành phố Hồ Chí Minh cũng phát huy tinh thần sáng tạo, cống hiến, góp phần phát triển thành phố lên tầm cao mới. Một trong số đó là anh Lê Nguyên Ngân (Trưởng phòng Thử nghiệm vật liệu - linh kiện nano và ứng dụng, Viện Công nghệ nano, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) luôn có những sáng kiến hữu ích, được công nhận và ứng dụng vào thực tế hiệu quả. Ngày 15-10 vừa qua, anh Ngân là một trong số 42 cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc năm 2022 được Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tuyên dương.

Khuyến khích cán bộ “dám nghĩ, dám làm“

Nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của hệ thống chính trị thành phố Hồ Chí Minh rất giỏi. Họ kế thừa xứng đáng truyền thống năng động, sáng tạo của thành phố. Điều quan trọng là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức luôn luôn phải là người đầu tàu gương mẫu, thường xuyên khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tự tin phát huy tối đa năng lực, tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Hiện thực hóa tinh thần này, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch về thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả Kết luận số 14-KL/TƯ ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và Kế hoạch số 124-KH/TU ngày 31-5-2022 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về triển khai thực hiện Kết luận số 14-KL/TƯ.

Kế hoạch đã đề ra cơ chế bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó có cơ chế xem xét miễn, giảm trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm pháp lý đối với trường hợp rủi ro đã được dự liệu trước. Đối với trường hợp rủi ro ngoài dự liệu, nếu thực hiện đúng chủ trương, động cơ trong sáng, không vụ lợi cá nhân thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Để khuyến khích sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, theo kế hoạch của thành phố, trong tháng 10-2022, mỗi cơ quan, đơn vị đăng ký ít nhất 1 sáng kiến trình UBND thành phố; tháng 11-2022, xây dựng đề án thực hiện sáng kiến đó; tháng 12-2022, trình đề án để UBND thành phố phê duyệt; triển khai thực hiện sáng kiến đã được phê duyệt ngay trong quý I-2023. Từ năm 2023, mỗi cơ quan, đơn vị phải đăng ký sáng kiến và giải pháp theo kế hoạch hằng năm, hoặc theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh có hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội sôi động nhất cả nước, nên có những thời điểm xuất hiện tình huống cần xử lý nhưng chưa có quy định. Lúc này, cơ quan có thẩm quyền đặt ra yêu cầu phải có cách giải quyết khác. Người đứng đầu Đảng bộ thành phố nhấn mạnh: “Đứng trước đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, những gì chưa có quy định, hoặc không còn phù hợp thì cần nghĩ ra cách làm mới trên tinh thần vì lợi ích chung”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Bước đột phá để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.