(HNMO) - Ngày 3-4, theo tin từ Bệnh viện Phụ sản trung ương, những ngày qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ý kiến thắc mắc và lo lắng của các bà mẹ đang mang thai về việc nếu không may bị nhiễm Covid-19 có phải đình chỉ thai nghén?
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương khẳng định, khi mang thai, người mẹ có thể truyền sang con các vi rút, như: Rubella, vi khuẩn giang mai..., ảnh hưởng đến thai nhi từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể gây lưu thai. Thế nhưng, vi rút SARS-CoV-2 lây truyền qua đường hô hấp, không lây qua đường máu, không truyền từ mẹ sang con nên các thai phụ hoàn toàn yên tâm.
"Nếu thai phụ không may bị nhiễm Covid-19 cũng đừng hoảng sợ, hãy tuân thủ điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế", PGS.TS Trần Danh Cường nói.
Cũng theo PGS.TS Trần Danh Cường, phương pháp điều trị Covid-19 cho thai phụ bảo đảm an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Sau khi điều trị khỏi Covid-19 cho người mẹ sẽ tiếp tục sàng lọc thai nhi giống những trường hợp thai nghén bình thường.
Thai được 12 tuần tuổi trở lên sẽ làm xét nghiệm, siêu âm, thăm dò để sàng lọc xem thai nhi có bất thường không. Phụ nữ mang thai vẫn phải khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ vì các cơ sở y tế đều có đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch.
Từ đầu mùa dịch, Bệnh viện Phụ sản trung ương đã sàng lọc tất cả mọi đối tượng, từ bệnh nhân đến người nhà bệnh nhân vào viện. Bệnh viện tổ chức lối đi riêng biệt dành cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. 100% người qua cổng được phun xịt khuẩn đồ mang theo, đo thân nhiệt bằng máy và khai tờ khai y tế.
Trong trường hợp thai phụ có yếu tố dịch tễ, như đến từ vùng có dịch, hay đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12-3 đến 27-3, thai phụ vẫn được tiếp nhận điều trị với lối đi riêng, khu khám riêng, khu đẻ/mổ đẻ riêng biệt. Khi sinh, trẻ sơ sinh được chuyển lên khu sơ sinh nhưng được tổ chức riêng biệt. Y, bác sĩ tại khu vực khám riêng này cũng được trang bị phương tiện bảo hộ đặc biệt để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Hiện nay, số lượng thai phụ đến bệnh viện khám giảm 2/3 do nhiều người dân lo ngại dịch. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Danh Cường, với bệnh nhân nặng, cần có sự theo dõi định kỳ vẫn cần đi khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Những trường hợp bình thường có thể giãn lịch khám. Những trường hợp sản phụ bị tiền sản giật nặng hay có những bệnh lý cấp cứu ở tuyến dưới vẫn cần được chuyển đến viện.
"Trong sản khoa, tiền sản giật, huyết áp cao, rỉ ối... đều rất nguy hiểm và không thể trì hoãn đi khám", PGS.TS Trần Danh Cường khuyến cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.