Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Hồng Sơn| 12/02/2018 07:25

(HNM) - Không khí phấn khởi, lạc quan về phát triển kinh tế, nhất là trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài của năm 2017 vẫn tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ sang đầu năm 2018.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH NO BLE (khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Linh Ngọc


Trước hết, năm 2018, mục tiêu tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài phải vượt qua “cái bóng” của năm 2017, với kết quả kỷ lục 36 tỷ USD. Xét về tiềm năng, theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế thông qua một số dự án quy mô vừa và lớn, thuộc lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghiệp chế biến chế tạo, thông tin...; trong đó, có dự án sản xuất linh kiện điện tử ở Yên Bái vừa được cấp phép của Công ty Edge Glass (Hàn Quốc) có vốn đăng ký 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ hội để thu hút dòng vốn từ các thành viên ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng như các đối tác thuộc EU và thành viên APEC vẫn được đánh giá khá khả quan.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mại cho rằng, ngay từ thời điểm đầu năm nay đã xuất hiện yếu tố bất lợi trong thu hút nguồn vốn quốc tế, thể hiện rõ trong sự xác lập quan điểm phát triển kinh tế “nước Mỹ là trên hết”, chủ động “nắn dòng” vốn đầu tư của doanh nghiệp Mỹ quay trở về chính quốc của Tổng thống Donald Trump. Điều này đồng nghĩa với khả năng giảm thiểu lượng vốn đầu tư của nhà đầu tư Mỹ ra thế giới nói chung và vào Việt Nam nói riêng.

Ngoài ra, quyết định này còn tạo thêm cơ hội đầu tư ở Mỹ thông qua gia tăng sức hấp dẫn của thị trường nền kinh tế số 1 thế giới này. Qua đó, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Mỹ tăng lên có nghĩa là cơ hội tiếp nhận vốn dành cho các nước khác, trong đó có Việt Nam bị giảm sút.

Một diễn biến có tính chất dây chuyền có thể xuất hiện là, một số nước sẽ nghiên cứu khả năng ban hành chính sách thu hút đầu tư linh hoạt, theo hướng ưu đãi hơn đối với nhà đầu tư để doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Mỹ ở lại nước mình. Cuộc chiến trong thu hút đầu tư quốc tế có thể “tăng nhiệt”, gây bất lợi cho các nước tiếp nhận đầu tư.

Trên thực tế, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong tháng 1-2018 chỉ đạt 1,26 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một chỉ dấu không thể xem thường, mặc dù thời gian còn nhiều, khi nền kinh tế mới đi qua 1 tháng đầu năm nên chưa thể là căn cứ đại diện cho cả năm. Tuy nhiên, thực tế có thể xuất hiện những diễn biến mới để Việt Nam đạt tới một kết quả chung cuộc như ý.

Hiện, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tốc độ cải cách, tập trung vào việc cải thiện những chỉ số liên quan trực tiếp đến hoạt động của nhà đầu tư như thuế, hải quan, cấp phép xây dựng, cấp điện, đấu nối hạ tầng... theo hướng thuận lợi nhất. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định Việt Nam muốn trở thành "con hổ" kinh tế mới của Châu Á và quyết tâm xây dựng nền hành chính văn minh, hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam phải nhanh chóng vươn lên về thứ hạng, về hấp dẫn đầu tư, nhưng không chỉ trong khu vực mà phải hướng tới chuẩn mực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Vấn đề đặt ra là, dù trong hoàn cảnh không thuận lợi nhiều hơn so với thời gian trước, nhưng Chính phủ vẫn sẽ kiên trì chủ trương chọn lọc kỹ chất lượng dự án để đi đến quyết định tiếp nhận, cấp phép cho dự án đầu tư nước ngoài, không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thách thức trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.