Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng thu hút vốn ngoại

Hà Linh| 13/04/2023 06:36

(HNM) - Mặc dù không còn là cổ phiếu “nóng” trên thị trường chứng khoán, nhưng lĩnh vực ngân hàng vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế, việc thu hút vốn ngoại đã giúp tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại nhiều ngân hàng hiện chạm ngưỡng tối đa 30% theo quy định.

Nhiều ngân hàng có tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài trên 15%. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank). Ảnh: Đỗ Tâm

Gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại

Theo quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30% vốn. Vì thế, với những cổ phiếu trong nhóm ngân hàng có triển vọng sẽ luôn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài "nhòm ngó".

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, có khoảng 16 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%, trong đó, có một số ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại, như: Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB), Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)…

Riêng Sacombank, "room ngoại" lên sát ngưỡng cho phép là 30%. Hay mới đây, VPBank ký kết thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - Nhật Bản, mang về cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng. Đây là thương vụ có giá trị kỷ lục trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam từ trước tới nay. Giám đốc điều hành của Sumitomo Mitsui Jun Ohta đánh giá, mặc dù thế giới hiện nay đang có nhiều bất ổn, song nhà đầu tư tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam.

Ngoài những ngân hàng trên, nhiều ngân hàng vẫn còn "room" cho khối ngoại như Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB), Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank). Riêng VIB có kế hoạch đưa sở hữu của khối ngoại lên 30% trong năm nay. Còn OCB có kế hoạch chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ, ngân hàng sẽ trình nới "room" sở hữu nước ngoài lên mức tối đa 30%.

Cần thiết nới "room ngoại"

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị. Do đó, việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là cần thiết.

Theo đề xuất mới của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc có thể được nới "room ngoại" lên tới 49%. Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Theo đó, trong trường hợp đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc vượt giới hạn quy định, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín Moody's đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 ngân hàng Việt Nam lên 1 bậc, cũng như nâng 1 bậc đối với xếp hạng rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác với 7 ngân hàng. Trong số 12 ngân hàng được cập nhật xếp hạng lần này có 8 ngân hàng được nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn. Về chỉ tiêu rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác Việt Nam, cũng có 7 ngân hàng được nâng hạng.

Theo Moody's, việc nâng xếp hạng này phản ánh sức mạnh kinh tế của Việt Nam đang tăng lên so với các nước cùng nhóm; đồng thời cho thấy khả năng chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài được cải thiện và các chính sách được đánh giá là hiệu quả hơn. Không những vậy, các ngân hàng Việt Nam sẽ thu hút được sự quan tâm đầu tư, hợp tác của các tổ chức tài chính quốc tế.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định ít nhất là 4 ngân hàng thương mại nhà nước có tổng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vượt 30% vốn điều lệ. Thời gian tới, sẽ có ít nhất là 6 ngân hàng thương mại có thể tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt 30% vốn điều lệ.

Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản) Masataka Sam Yoshida khẳng định, các yếu tố nền tảng kinh tế của Việt Nam vững chắc sẽ thúc đẩy hoạt động mua bán - sáp nhập tiếp tục sôi động trong năm 2023. Các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Việt Nam với mục đích thâm nhập và mở rộng sự hiện diện lâu dài tại Việt Nam, thay vì mục tiêu săn lùng tài sản giá rẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng thu hút vốn ngoại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.