Kinh tế

Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI

Hà Vũ 30/06/2023 - 16:27

6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội thu hút được 2.265 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dẫn đầu cả nước và vượt kết quả năm 2022.

Chiều 30-6, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II-2023 do UBND thành phố Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn cho biết, 6 tháng đầu năm, Hà Nội thu hút được 2.265 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dẫn đầu cả nước và vượt kết quả năm 2022.

Cũng theo thông tin từ Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục phát triển với 15.618 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ.

img_0510.jpeg
Họp báo quý III-2023 diễn ra tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội chiều 30-6.

6 tháng đầu năm, cân đối thu - chi ngân sách thành phố tiếp tục được bảo đảm. Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm thực hiện được 220.121 tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán, bằng 122,9% so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm của thành phố đạt 194.656 tỷ đồng, tăng 8,5% (cùng kỳ tăng 8,8%). Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Lũy kế 6 tháng đầu năm, vốn huy động tăng 2,28%, dư nợ tăng 3,58%.

Chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn thành phố tiếp tục được kiểm soát; bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 1,22% - thấp hơn cùng kỳ (tăng 3,25%) và đạt mục tiêu đề ra (dưới 4,5%).

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn cho biết, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố được duy trì. Tuy nhiên, mức tăng thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn kịch bản đầu năm. GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,97%. Dù vậy, đây là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng kép từ sự mất cân đối cung - cầu do xung đột vũ trang Nga - Ukraina và từ tác động chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia.

“Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm là 7,0% thì quý III, GRDP thành phố phải tăng từ 7,54% trở lên, quý IV phải tăng từ 8,23% trở lên”, ông Vũ Duy Tuấn cho biết.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành kinh tế của thành phố duy trì phát triển, tuy nhiên một số lĩnh vực có xu hướng tặng chậm lại.

Xuất, nhập khẩu suy giảm do ảnh hưởng suy giảm kinh tế thế giới; Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 8.084 triệu USD, giảm 2,7% (cùng kỳ tăng 17,1%). Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 17.386 triệu USD, giảm 16,3% (cùng kỳ tăng 24,5%).

Sản xuất công nghiệp, xây dựng duy trì tăng trưởng (3,28%), tuy nhiên mức tăng thấp hơn cùng kỳ (6,31%).

Trong khi đó, du lịch và vận tải hành khách phục hồi mạnh. Tổng khách du lịch tăng 42%, khách quốc tế tăng 7 lần. Số lượt hành khách vận chuyển tăng 25,1% (cùng kỳ giảm 20%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và vận tải hàng hóa tăng khá, tuy nhiên mức tăng thấp hơn cùng kỳ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 13,6%); khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 20,8% (cùng kỳ tăng 30,8%).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.