(HNM) - Những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam tăng nhanh, kéo theo đó là sự gia tăng về lực lượng lao động. Phát huy vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặc biệt chú trọng chỉ đạo các cấp Công đoàn tập trung nguồn lực, ưu tiên thực hiện nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.
Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng
Xác định phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thường xuyên khảo sát tình hình công nhân, lao động tại các khu công nghiệp. Đối với những doanh nghiệp đủ điều kiện, Liên đoàn Lao động thành phố tích cực tuyên truyền, vận động giúp đơn vị nhận thức được vai trò của tổ chức Công đoàn, tự nguyện thành lập. Nhờ đó, năm 2022, Công đoàn Hà Nội phát triển được 61 nghìn đoàn viên, đạt 128,2% kế hoạch và đạt 102,1% kế hoạch về thành lập Công đoàn cơ sở. Đặc biệt, Liên đoàn Lao động thành phố đã chỉ đạo Công đoàn ngành Giao thông - Vận tải Hà Nội thí điểm thành lập Nghiệp đoàn Lái xe ô tô công nghệ, tạo ra hướng đi mới trong tuyên truyền, phát triển đoàn viên khu vực lao động phi chính thức.
Bước sang năm 2023, Công đoàn Hà Nội phấn đấu phát triển 41.050 đoàn viên và 400 Công đoàn cơ sở trở lên; lấy địa bàn các khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và những địa phương có nhiều doanh nghiệp làm trọng điểm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Ngay những tháng đầu năm đã có tín hiệu vui khi Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức lễ ra mắt Công đoàn Công ty TNHH MaxRent Việt Nam; Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai kết nạp 110 công nhân, lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam, trao quyết định thành lập Công đoàn cơ sở tại Công đoàn Công ty cổ phần Vina Electric, cùng nhiều đơn vị khác.
Thực hiện chủ đề công tác năm 2023: “Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở”, Công đoàn các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long An, Hà Nam tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa phương thức vận động, tạo sức hút người lao động tham gia và tự nguyện gia nhập Công đoàn. Các địa phương này cũng ưu tiên nguồn tài chính Công đoàn bảo đảm chi cho các hoạt động vận động, tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang chia sẻ, với nỗ lực của Công đoàn tỉnh, hiện 93% người lao động đã là đoàn viên Công đoàn. Công đoàn tỉnh đang nỗ lực để phát triển đoàn viên trong số 7% còn lại (bằng khoảng 20.000 người).
Góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đặt ra mục tiêu, đến hết năm 2023 có 12 triệu đoàn viên, cả nước cần phát triển được 884.410 đoàn viên, thành lập mới 1.262 Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên. Đồng thời, củng cố, đổi mới nội dung phương thức hoạt động Công đoàn cơ sở để giữ ổn định số lượng đoàn viên đã kết nạp, hạn chế số lượng đoàn viên giảm.
Để thực hiện những mục tiêu này, các cấp Công đoàn cần tăng cường giám sát, khảo sát cụ thể xem từng địa bàn có bao nhiêu lao động chính thức, lao động thời vụ; hướng dẫn, tuyên truyền cụ thể để người lao động, doanh nghiệp thấy được lợi ích lâu dài khi tham gia tổ chức Công đoàn. Đặc biệt, các cấp Công đoàn cần gắn phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở với củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Cảnh, quá trình triển khai, tỉnh còn gặp khó khăn vì có doanh nghiệp đồng ý thành lập Công đoàn cơ sở nhưng lại hạn chế số lượng công nhân trở thành đoàn viên Công đoàn.
Đánh giá của Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố và phản ánh của nhiều cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở còn cho thấy, nhiều Công đoàn cơ sở có số đoàn viên giảm do chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Một khó khăn nữa là số đoàn viên và lao động giảm nhiều, do lao động ở các địa phương có sự dịch chuyển lên các khu công nghiệp ở thành phố lớn - nơi có tiền lương và chế độ đãi ngộ tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp thuê lao động thời vụ nên khó quản lý, theo dõi, càng khó cho công tác vận động phát triển đoàn viên. Chưa kể, có đơn vị "lách luật" bằng cách chấp nhận thành lập Công đoàn cơ sở với chỉ 5 đoàn viên...
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, phát triển đoàn viên là trách nhiệm, vì sự lớn mạnh của tổ chức Công đoàn. Đây cũng là thước đo đánh giá cán bộ Công đoàn. Việc thành lập Công đoàn cơ sở, với nhiệm vụ chính là chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, giúp doanh nghiệp thực hiện đúng Luật Lao động. Qua đó, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, dù khó khăn nhưng cũng phải có giải pháp thực hiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.