Nhập siêu thấp nhất nhiều năm qua * Tăng cung ngoại tệ có kiểm soát * Yêu cầu báo cáo trách nhiệm cá nhân xả lũ sông Ba Hạ
Chính phủ yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện nhiều biện pháp bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Ảnh: Khánh Nguyên
Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kết luận phiên họp thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, nếu không có biến động lớn, tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ đạt 6,7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Các mục tiêu chủ yếu rất đáng mừng: Lũy kế đến ngày 15-10, thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 408,4 nghìn tỷ đồng (bằng 88,5% dự toán năm), tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 57,8 tỷ USD (tăng 23,3%), nhập siêu giảm "kỷ lục" ở mức 16,45% (thấp nhất nhiều năm qua)…
Tuy nhiên, đề cập đến việc 2 tháng liên tiếp (tháng 9 và tháng 10) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều tăng, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, nếu không có biện pháp quyết liệt, nền kinh tế sẽ gặp trở ngại.
Ngay trong chiều hôm qua 6-11, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản yêu cầu các địa phương thành lập ngay các đoàn kiểm tra việc tuân thủ các quy định về giá. Đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành theo chức năng đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn lạm phát tăng cao. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan đặc biệt quan tâm đến biện pháp tuyên truyền, không tạo tâm lý hoang mang trong dư luận. Trước đó, Chính phủ đã ra Chỉ thị 1875 chỉ đạo cụ thể các biện pháp kiềm chế lạm phát. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương thực hiện các biện pháp, đặc biệt là kiểm tra, kiểm soát bảo đảm giữ giá than, dầu và các mặt hàng thiết yếu khác. Chính phủ và các bộ, ngành sẽ xây dựng kịch bản riêng xử lý vấn đề giá cả từ nay đến hết năm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trước đây, Chính phủ đã dự trù lạm phát cả năm là 8%. Nhưng tình hình kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh, giá cả thay đổi tác động đến tình hình trong nước, đặc biệt là "rổ" hàng lương thực thực phẩm trong cơ cấu giá. Vì vậy, tình hình giá cả hiện nay đã có những thay đổi. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn quyết tâm bằng mọi biện pháp giữ lạm phát ở mức một con số (dưới 10%).
Nợ Chính phủ ở ngưỡng an toàn
Tại Phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ đã nghe báo cáo về đề án Chiến lược vay và trả nợ vay tầm nhìn năm 2020 và 2050 do Bộ Tài chính trình. Trả lời báo chí về một số nội dung cơ bản của đề án, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, đề án nhằm xây dựng các chỉ tiêu, chỉ số về vay, nợ nhằm bảo đảm việc quản lý vay nợ của Chính phủ chủ động, an toàn với 3 loại nợ gồm: Nợ Chính phủ, nợ quốc gia và nợ công. Đề án sẽ xác định trong giai đoạn tới sẽ vay bao nhiêu và chúng ta vay thế nào để được an toàn. Trong 3 loại nợ trên, chỉ có "nợ công" là khái niệm mới, hiện chưa có ngưỡng an toàn (hiện mới chỉ có ngưỡng an toàn của nợ Chính phủ và nợ quốc gia). Nên nhiệm vụ của đề án này là phải xây dựng được ngưỡng an toàn cho nợ công (bao gồm nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ địa phương).
Đề cập đến việc có ý kiến thắc mắc tại diễn đàn Quốc hội là "lúc thì nói nợ 30% an toàn, khi nợ tăng lên 40% vẫn an toàn là tại sao?", Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp cho biết, đây là nói về nợ Chính phủ với ngưỡng an toàn là 50% GDP, nên dưới mức này đều là an toàn. "Hiện nay nợ Chính phủ của nước ta vẫn đang ở ngưỡng an toàn" - Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Trả lời về biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước tình hình tỷ giá ngoại tệ, đặc biệt là đô la Mỹ, biến động mạnh hiện nay, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, NHNN đang thực hiện các biện pháp tăng cung ngoại tệ cho thị trường với chủ trương: bảo đảm vốn phục vụ tăng cường xuất khẩu, nhưng hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích. NHNN vừa có cuộc làm việc cụ thể với 15 ngân hàng hàng đầu để thống nhất chủ trương này. Việc kiểm soát trạng thái "đi-về" của ngoại tệ đối với các ngân hàng sẽ được tiến hành để chủ trương trên được thực hiện nghiêm túc. "Thống đốc NHNN sẽ thành lập tổ công tác để thực hiện nhiệm vụ này".
Xử lý nghiêm cá nhân sai phạm trong xả lũ hồ thủy điện
Có mặt tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, đến thời điểm này, bão lũ miền Trung đã làm 155 người chết, 29 người mất tích, tổng thiệt hại vật chất là 11.600 tỷ đồng. Trước mắt, Chính phủ đã hỗ trợ các tỉnh miền Trung 2 đợt: đợt 1 là 770 tỷ đồng và 14.000 tấn gạo, đợt 2 là 110 tỷ đồng và 3.500 tấn gạo. Đảng và Nhà nước đã xác định, việc hỗ trợ miền Trung khôi phục đời sống và sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm của toàn bộ hệ thống chính trị. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nắm sát tình hình hỗ trợ tích cực cho địa phương. Bộ NN-PTNT cùng các địa phương triển khai mạnh các giải pháp phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai theo chiến lược đã được Chính phủ phê duyệt năm 2007. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh biện pháp hỗ trợ người dân xây nhà ở chống bão lũ, sao cho mỗi gia đình có một ngôi nhà đủ sức chịu đựng để trú được qua bão lũ.
Giải đáp về ý kiến cho rằng các hồ thủy điện xả lũ gây ra lũ lụt, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nếu các hồ thủy điện vận hành đúng quy trình thì không có chuyện đó vì các hồ thủy điện còn có tác dụng hạn chế lũ lụt. Nhưng nếu xả lũ không đúng quy định có thể gây ra những thiệt hại cho người dân. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, chưa có đầy đủ thông tin về việc Công ty cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ ở Phú Yên xả lũ sai, nhưng cũng khẳng định "Ai vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm". Làm rõ các thông tin liên quan đến sự việc này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, trước khi tiến hành xả lũ vào 7h sáng ngày 2-11, lúc 4h cùng ngày, công ty này đã báo cáo bằng Fax cho Ban Chỉ đạo PCLB TƯ, nhưng không gửi được Fax cho Ban Chỉ huy PCLB của tỉnh Phú Yên, nên đã gửi email và điện thoại cho 2 thành viên của cơ quan này. Công ty cổ phần sông Ba Hạ đã không có báo cáo chính thức bằng văn bản cho UBND tỉnh Phú Yên trước 2 giờ xả lũ theo quy định. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, Bộ Công thương đã yêu cầu Công ty Ba Hạ báo cáo và kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.