(HNM) - Nền kinh tế đã đi qua quý I-2019 với sự ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó kết quả kiểm soát lạm phát cũng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế đang xuất hiện một số diễn biến mới, không thuận lợi, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ để tập trung kiểm soát sự gia tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong thời gian tới...
Những yếu tố kích đẩy CPI
Bước vào quý II-2019, tình hình kinh tế và các điều kiện đầu vào, yếu tố tác động đến CPI không còn ổn định như trước. Cụ thể, giá điện đã tăng thêm 8,36% sẽ tác động đến diễn biến CPI những tháng tới. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc tăng giá điện sẽ làm CPI tăng thêm khoảng 0,29%. Trong đó, hầu hết các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đều có thể tăng giá do việc tăng giá điện.
Hơn nữa, giá xăng, dầu bán lẻ cũng vừa buộc phải tăng lần thứ hai liên tiếp kể từ ngày 2-4 đến nay do yếu tố nhiên liệu tăng trên thị trường thế giới. Ngoài ra, bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên nhiều địa bàn, dù đã có dấu hiệu giảm, nhưng cũng chưa thể đánh giá là đã an toàn.
Giá bán lẻ xăng, dầu vừa tăng hai lần liên tiếp kể từ ngày 2-4. Ảnh: Thái Hiền |
Bên cạnh đó, hiện đã là thời điểm bắt đầu vào mùa hè, cùng với đợt nghỉ lễ dài ngày (dịp 30-4 và 1-5) sắp tới, sẽ là dịp người dân gia tăng hoạt động du lịch, đi lại, mua sắm... ở mức cao hơn so với thời gian trước.
Hiện tại, tình hình giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng và chưa thể dự đoán tình hình trong thời gian sắp tới. Đây là yếu tố khách quan và khó can thiệp, từ đó đặt gánh nặng cho công tác dự báo, điều hành giá...
Về phía người tiêu dùng, nhìn chung đã xuất hiện tâm lý lo ngại, vì mức thu nhập tuy ổn định, nhưng việc chi tiêu cho những mục đích cụ thể đã tăng lên. Chị Đào Thị Thảo (nhà ở C18, Khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông) cho biết: "Sự tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày như nhiên liệu, điện, hoặc thực phẩm và những ảnh hưởng dây chuyền tiếp theo của các mặt hàng này khiến gia đình tôi nói riêng, đại bộ phận người dân nói chung sẽ phải chi tiêu ở mức cao hơn trước...".
Trên thực tế, người dân đang quan tâm, lưu ý đến khả năng chi tiêu hằng ngày của gia đình, đối phó với khả năng gia tăng của CPI. Như vậy, có thể thấy, sự bất lợi, chủ yếu là yếu tố khách quan đã xuất hiện và sẽ gây ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm.
Vẫn trong vòng kiểm soát
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), việc tăng giá một số mặt hàng cũng như dịch bệnh kể trên nhìn chung là bất lợi, tạo sức ép cho hoạt động quản lý trong việc khống chế đà tăng giá những tháng tới. Thế nhưng, vấn đề không đáng lo ngại đến mức đe dọa khả năng hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát tăng không quá 4% trong năm nay. Từ đầu năm đến nay, giá lương thực, thực phẩm vẫn diễn ra ổn định, không có sự thay đổi bất thường nào.
Việc tăng giá xăng, dầu trong 2 đợt điều chỉnh gần đây dẫn đến khả năng CPI sẽ tăng trong tháng 4 là một sức ép mới. Song, các diễn biến đó đã được lường trước và vẫn nằm trong kịch bản điều hành giá của Chính phủ, cơ quan quản lý.
Trong một diễn biến mới nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm soát tình hình, diễn biến giá cả. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của bệnh Dịch tả lợn châu Phi kết hợp với biện pháp tái đàn phù hợp để bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội.
Trong đó, cần cân nhắc biện pháp hợp lý để cung cấp tín dụng, hỗ trợ các hộ gia đình, chủ trang trại khắc phục khó khăn nhằm đáp ứng cung - cầu; tránh đứt quãng nguồn cung. Thực tế cho thấy, dù bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra nhưng chưa ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm, chưa làm thay đổi giá thịt lợn ở mức đáng quan ngại.
Bên cạnh đó, liên bộ Công Thương - Tài chính cần vào cuộc đồng bộ, tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng (nhất là quản lý thị trường) kiểm soát thị trường, phòng tránh khả năng xảy ra khan hàng giả tạo, sốt giá bất hợp lý.
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, việc tăng giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường hầu như năm nào cũng diễn ra. Vì vậy, khả năng thành công trong khống chế lạm phát không phải là vấn đề đáng lo ngại. Dự báo, CPI cả năm 2019 sẽ nằm trong mức chỉ tiêu cho phép.
Tuy nhiên, khi giá xăng, dầu tăng thì cơ quan quản lý cần điều hành một cách tỉnh táo, kết hợp giữa sự chủ động chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu và trích lập Quỹ một cách hợp lý để kìm đà tăng giá bán lẻ xăng, dầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tập trung theo dõi, tăng khả năng dự báo để xác định đúng thời điểm giá xăng, dầu hạ thấp trên thị trường quốc tế để quyết định ký hợp đồng nhập khẩu, bảo đảm mục tiêu “ích nước, lợi nhà”.
Từ góc độ khác, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, quan trọng nhất là phải giữ vững quan hệ cung - cầu lành mạnh, bảo đảm lưu thông hàng hóa cũng như tính minh bạch khi quyết định tăng giá các sản phẩm thiết yếu như điện, xăng, dầu. Cơ quan chức năng cần bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan gồm Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị sản xuất cần tìm kiếm, áp dụng các biện pháp phù hợp để tiết giảm chi phí đầu vào, ổn định giá bán thành phẩm, từ đó góp phần kiềm chế lạm phát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.