Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo thương hiệu cho gạo Hà Nội

Bạch Thanh| 25/05/2010 06:44

(HNM) - Hà Nội vừa tổ chức đánh giá bước đầu Chương trình giống lúa chất lượng cao giai đoạn 2010-2015, theo đó vụ xuân 2010 Hà Nội sẽ có gần 3.000 tấn gạo chất lượng cao đưa ra thị trường.

Xây dựng thương hiệu cho gạo Hà Nội cần cách làm đồng bộ, liên kết chặt giữa nông dân và doanh nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt


Bài toán "đầu ra" Theo Sở NN&PTNT
Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Thủ đô có khoảng 200.000ha lúa, tuy nhiên cơ cấu giống chất lượng cao mới chỉ chiếm khoảng 15% diện tích. Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, điều đầu tiên cần quan tâm là chất lượng giống lúa. Hiện tại, giống lúa chủ lực vẫn chỉ là Q5 và Khang Dân, tuy sản lượng cao nhưng chất lượng gạo chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tỷ lệ gạo chất lượng cao không nhiều. Vụ xuân năm 2010, Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội đã xây dựng mô hình vùng lúa chất lượng cao SH2 và Bắc Thơm, diện tích 600ha tại 6 hợp tác xã (HTX): Phú Phong, Đại Thắng, Phú Phượng của huyện Phú Xuyên; HTX Thanh Văn, Tam Hưng, huyện Thanh Oai và HTX Đồng Phú của huyện Chương Mỹ (mỗi HTX sản xuất 100ha).

Qua kiểm tra thực tế tại 6 HTX sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao cho thấy lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất cao. Điển hình như HTX Tam Hưng, huyện Thanh Oai là nơi có truyền thống sản xuất lúa chất lượng cao từ nhiều năm nay. Ông Kiều Văn Quy - Chủ nhiệm HTX Tam Hưng cho biết: bà con đã có kinh nghiệm nên khi triển khai tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, xã viên vẫn phải chú trọng đến các khâu kỹ thuật cấy lúa, cách bón phân, khâu thu hoạch và bảo quản. Khó khăn lớn nhất của Tam Hưng hiện nay là thị trường đầu ra. Ông Kiều Văn Quy khẳng định, việc mở rộng diện tích lúa chất lượng cao ở Thanh Oai còn nhiều khó khăn do diện tích đất sản xuất manh mún. Hiện nay, việc tiêu thụ lúa gạo vẫn chưa đồng bộ và "đầu ra" cho sản phẩm chưa ổn định.

Nông dân huyện Mỹ Đức thu hoạch lúa xuân. Ảnh: Thái Hiền


Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến lương thực, thực phẩm Thái Dương, mỗi năm, công ty cung ứng cho thị trường Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 10.000 tấn nếp dẻo. Hiện công ty đang thử nghiệm mô hình trồng lúa nếp tại Thanh Oai, đạt năng suất khá cao 2,4 tấn/ha. Tuy nhiên, để hạt gạo Hà Nội đủ điều kiện xuất khẩu chính là chế biến sản phẩm thu hoạch, nông dân thường phơi ngoài đường, sân gia đình dẫn tới tỷ lệ gãy lên tới 60%, nhiều sạn. Dù năng suất lúa khá cao, nhưng hạt gạo đạt tiêu chuẩn không được như phía công ty mong muốn.

Liên kết sản xuất và tiêu thụ
Ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội cho biết, thời gian tới Hà Nội sẽ giảm diện tích đối với loại giống có năng suất cao nhưng chất lượng thấp và thay thế giống lúa chất lượng cao, năng suất cao. Thành phố tiếp tục mở rộng diện tích để giống lúa chất lượng cao có chỗ đứng vững chắc trên đồng ruộng. Để nông dân sản xuất có lợi nhuận cao, ổn định, cần có sự vào cuộc của lãnh đạo chính quyền, các sở, ngành có liên quan trong việc tạo ra sự gắn kết giữa "4 nhà" gồm Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. Cùng với đó là cải tạo đồng ruộng, quy hoạch một cách thuận lợi cho nhà quản lý, nhà nông và doanh nghiệp, từ đó mới tạo ra thương hiệu gạo Hà Nội một cách hiệu quả nhất. Các địa phương cũng cần có cơ chế hỗ trợ về giống cũng như tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức tư duy của nông dân nhằm đưa giống lúa chất lượng cao vào đồng ruộng.

Ông Lê Hồng Sơn cho rằng, quan trọng nhất đối với hạt gạo Hà Nội là tổ chức vùng nguyên liệu tốt và quan tâm tới công tác chế biến sau thu hoạch. Hiện Hà Nội còn nhiều HTX có quy mô kho, bãi khá rộng, điển hình như HTX Tam Hưng có 8 dãy kho sức chứa 100 tấn, 3.000m2 sân phơi đủ tiêu chuẩn, có trạm điện... Để phát huy hiệu quả hệ thống kho chứa của Hà Nội hiện nay, cần có DN đứng ra "đặt hàng" nông dân sau đó đưa về chế biến. Hà Nội muốn có gạo ngon và trở thành thương hiệu "gạo Hà Nội", phải lựa chọn vùng sinh thái, cách làm lúa chất lượng một cách đồng bộ, cùng với quy trình kỹ thuật cao từ thu hoạch, phơi sấy, bảo quản và chế biến để có sản phẩm hàng hóa phục vụ thị trường khó tính Hà Nội.

TS Lê Hưng Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, Hà Nội sớm xây dựng một bộ giống lúa chất lượng cao từ 2-3 loại giống là đủ trong đó chú trọng tới Q5 và Bắc thơm. Một loại phục vụ cho chế biến công nghiệp, một để phục vụ nhu cầu dân sinh. Hà Nội cần xác định trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao của Hà Nội mắt xích quan trọng nhất là mối quan hệ giữa nông dân - doanh nghiệp. Do đó, cần có sự đầu tư cho thỏa đáng, DN sẽ quyết định hình thức thu mua trực tiếp hoặc qua thương lái thế nào cho phù hợp. Vùng nào trồng lúa xuất khẩu, vùng nào trồng lúa chế biến, vùng nào trồng lúa phục vụ ăn uống dân sinh hằng ngày.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo thương hiệu cho gạo Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.