(HNM) - Từ nhiều năm nay, việc thu, chi đầu năm học luôn là vấn đề "nóng" được các bậc phụ huynh, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Đáng lưu ý, nỗi bức xúc về lạm thu của các bậc phụ huynh lặp lại hằng năm nhưng chưa được giải quyết triệt để, ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như uy tín của nhà trường.
Thông thường, cuộc họp phụ huynh đầu năm để bàn về những vấn đề “xương sống”, mang tính định hướng hoạt động cả năm học như chương trình giảng dạy; xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình trong việc giáo dục học sinh... Nhưng thực tế, những vấn đề này ít được bàn thảo sâu, thay vào đó lại chỉ xoay quanh tâm điểm là đóng góp quỹ cùng các khoản thu, chi như thế nào.
Để thống nhất các khoản thu, chi, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng như chính quyền các cấp đều ban hành quy định và có văn bản chỉ đạo từ đầu năm học. Vậy nhưng, nhiều khoản thu vẫn bị biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu dưới mác “tự nguyện”. Phụ huynh dù ấm ức nhưng vì nhiều lý do đã không dám phản đối.
Là một trong những địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước nên vấn đề nhạy cảm này luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô cùng chính quyền các cấp quan tâm. Với những quy định cụ thể, hoạt động thu, chi được công khai, minh bạch và triển khai chặt chẽ theo quy trình, gắn với trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp. Từ đó, Hà Nội đã hạn chế thấp nhất các điểm “nóng” phát sinh về lạm thu, chi.
Vẫn biết rằng nếu chỉ riêng nguồn ngân sách nhà nước dành cho giáo dục thì chưa đủ và việc xã hội hóa là cần thiết. Song, để chủ trương này vẹn nguyên ý nghĩa, nhận được sự đồng thuận của xã hội thì rất cần những việc làm thực chất, bắt nguồn từ việc coi sự nghiệp giáo dục là vì con người, vì tương lai của đất nước.
Muốn vậy, “bệnh” lạm thu trong trường học phải được triệt tiêu bằng phương “thuốc” minh bạch, công khai, dân chủ. Theo đó, các khoản thu phải đúng quy định, được dự toán khoa học, phù hợp với số đông phụ huynh. Phụ huynh phải được bàn thảo tại cuộc họp, cần thiết có thể biểu quyết bằng bỏ phiếu kín để không gây áp lực cho số ít người ý kiến trái chiều. Để đạt sự đồng thuận cao, các nhà trường nên có kênh tiếp nhận riêng thông tin của phụ huynh để mọi thắc mắc được giải đáp thỏa đáng.
Quản lý hoạt động thu, chi, phía nhà trường là đơn vị chính chịu trách nhiệm. Vì thế, giáo viên chủ nhiệm phải nắm được hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh; nhà trường tuyệt đối không được gợi ý thu các khoản trái quy định dù bằng hình thức tự nguyện. Cùng với đó, UBND các cấp cần công khai quy định mức trần các khoản được phép thu nhằm tránh sự tùy tiện, áp đặt từ phía nhà trường. Còn về phía ban đại diện cha mẹ học sinh, phải làm tròn trách nhiệm phối hợp với nhà trường trong tổ chức các hoạt động giáo dục, không tiếp tay cho hoạt động lạm thu.
Cũng cần nói thêm, để không ấm ức, phụ huynh nên chủ động tìm hiểu các quy định liên quan và phản biện tại cuộc họp. Song, để phụ huynh dám có ý kiến thì nhà trường cũng phải tạo được môi trường dân chủ và giáo viên tuyệt đối không gây áp lực, không trù dập học sinh. Đó là cách tốt nhất để tạo sự đồng thuận bền lâu.
Dù thế nào thì hoạt động quản lý thu, chi cũng cần được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát; khi có sai phạm, các cá nhân, tổ chức liên quan phải bị xử lý nghiêm. Khi tất cả chủ thể đều nâng cao tinh thần trách nhiệm, những “tai tiếng” trong hoạt động thu, chi đầu năm học sẽ được “gạn đục” để hướng đến giá trị nhân văn của sự nghiệp trồng người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.