(HNM) - Thời gian qua tình hình thương mại thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại cũng như việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Trong bối cảnh đó, việc thực thi 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực khiến Việt Nam không tránh khỏi bị lợi dụng trở thành nơi trung chuyển hàng hóa sang nước thứ ba để hưởng ưu đãi thuế quan cũng như hàng hóa nhập khẩu dán nhãn trong nước gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam sẽ bị mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Như vậy, việc gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu chắc chắn gây ảnh hưởng lâu dài và nghiêm trọng đến thương hiệu hàng Việt.
Trong khi đó, về hàng nhập khẩu, gần đây, một số thương hiệu may mặc trong nước đã nhập nguyên đai, nguyên kiện hàng hóa từ nước khác, sau đó dán nhãn “Made in Vietnam” cố tình lừa dối người tiêu dùng, gây hoang mang dư luận. Việc này cần xử lý nghiêm nhằm tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch với mọi thành phần kinh tế.
Những gì đang diễn ra cho thấy, việc thực hiện quyết liệt các giải pháp cho vấn đề này là rất cần thiết, trong đó nên đặt trọng tâm ưu tiên hàng đầu cho việc hoàn thiện khung khổ pháp lý và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Theo đó, về phía cơ quan chức năng cần sớm triển khai 2 nhóm mục tiêu chính, với 8 nhóm biện pháp cụ thể đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra tại Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Quyết định số 824/QĐ-TTg, ngày 4-7-2019).
Đó là đẩy mạnh quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài thông qua 3 nhóm biện pháp chính là cảnh báo sớm, ngăn ngừa các hành vi gian lận một cách có chọn lọc; Tăng cường hiệu quả công tác cấp và kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), kiểm tra đấu tranh với các hành vi gian lận; Hoàn thiện quy định giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài, quản lý các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nguy cơ...
Đồng thời, thực thi hiệu quả pháp luật thông qua 5 nhóm biện pháp chính như đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, tăng cường khả năng ứng phó của doanh nghiệp; phối hợp với các nước trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm; rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật...
Mới đây, Bộ Công Thương tiếp tục trình Chính phủ ban hành nghị quyết về một số biện pháp cấp bách tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam. Ít nhất có 8 bộ sẽ cùng vào cuộc chống hàng hóa nước ngoài “đội lốt” hàng Việt. Đây là động thái mạnh mẽ của Chính phủ, nhưng do liên quan đến nhiều bộ, ngành nên khi thực hiện trên thực tế, càng đòi hỏi cơ chế phối hợp phải chặt chẽ, rõ trách nhiệm, thậm chí có sự giám sát chéo để bảo đảm quy định được thực hiện nghiêm.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan chức năng, chính doanh nghiệp trong nước cần lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đồng hành với doanh nghiệp, các hiệp hội cần tăng cường vai trò giám sát, phát hiện, phản ánh các hành vi gian lận.
Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường, thuế, hải quan cũng phải thực hiện nghiêm trách nhiệm công vụ, đạo đức nghề nghiệp, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm để tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.