Thời gian qua, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn trường học đã được ngành Giáo dục, cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể và đạt được kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên vẫn diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và gây lo lắng trong nhân dân.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau, trong hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau.
Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Dù chỉ có 2,63% học sinh, sinh viên trong tổng số thanh niên phạm tội, nhưng con số này lại có xu hướng tăng... Những số liệu trên là hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và xã hội, cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này.
Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo thời gian tới cần thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật; giáo dục đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên được quy định tại các văn bản của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đã đặt ra, đó là: 100% nhà trường kiện toàn, thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo “Phòng, chống tội phạm”; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật gắn với nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên của nhà trường trong từng năm học; phấn đấu hằng năm giảm số vụ, số người phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến người học.
Các địa phương cần tăng cường chỉ đạo, giám sát các cơ sở giáo dục phối hợp với chính quyền, công an cơ sở thực hiện tốt chế độ giao ban về công tác an ninh, trật tự, an toàn trường học. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, phát hiện, đấu tranh, xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tại khu vực trường học, triệt phá các điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, các tổ chức văn hóa phối hợp với nhà trường; tăng cường vai trò của các thiết chế văn hóa trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội. Tiếp tục nhân rộng hiệu quả từ các mô hình trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường nhằm tạo chuyển biến rõ nét tình hình an ninh trật tự của các địa phương nói chung và trong các trường học nói riêng.
Qua đó, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.