(HNM) - 70% dân số nước ta sinh sống ở nông thôn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thế nhưng vốn đầu tư cho khu vực này chưa tương xứng với tiềm năng...
Thời gian qua lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (NNNT) tiếp tục phát triển khá toàn diện với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm hơn 3,5%, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho NNNT lại chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của khu vực này. Báo cáo của Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, trong 5 năm qua, tổng số vốn đầu tư cho nông nghiệp (nông, lâm, ngư nghiệp) là 10.977 tỷ đồng, chiếm khoảng 35% trong tổng vốn đầu tư cho NNNT. Nguồn vốn đầu tư trong nông nghiệp chủ yếu cho thủy lợi. Hà Nội là địa phương đứng thứ nhì cả nước về thu ngân sách, tuy nhiên vốn đầu tư trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực NNNT. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Trần Xuân Việt, đầu tư công những năm qua phải tập trung lớn cho thủy lợi, với mục đích phòng chống lũ lụt, phục vụ an sinh xã hội, chưa bao giờ là đầu tư sinh lời.
Trạm bơm Xuân Dương được xây mới phục vụ nhu cầu sản xuất Ảnh: Thái Hiền
Trong khi ngân sách nhà nước đầu tư cho NNNT chưa đủ để thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp lại quá khó khăn. Nguyên nhân là do những ưu đãi chưa đủ sức hấp dẫn, thậm chí còn thiếu thống nhất trong chính sách, thủ tục hành chính. Các DN đầu tư vào khu vực này, chủ yếu là DN nhỏ và vừa, vốn ít, bình quân ở mức 200 triệu đồng/DN, bằng 1/4 số vốn bình quân đầu tư của một DN hoạt động trong các lĩnh vực khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi nền sản xuất nông nghiệp nước ta nhỏ lẻ, manh mún, thiếu quy hoạch lại thường gặp rủi ro do chịu sự ảnh hưởng của thời tiết..., chưa kể những khó khăn trong thuê đất mở rộng sản xuất, vốn vay, đầu ra sản phẩm.
Để thu hút đầu tư, Bộ Tài chính vừa hướng dẫn một số chính sách tài chính khuyến khích DN đầu tư vào NNNT với hy vọng tạo ra lực hút đủ mạnh. Từ ngày 1-8-2011, nhà đầu tư có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư theo quy định tại Điều 3 Nghị định 61/2010/NĐ-CP nếu thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước được miễn giảm, hỗ trợ tiền thuê đất, thuê mặt nước; được miễn giảm tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất... Đồng thời, nhà đầu tư được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển thị trường và dịch vụ tư vấn; hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ, vận tải với nhiều mức hỗ trợ khác nhau tùy thuộc vào loại hình DN và lĩnh vực hoạt động...
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, có được chính sách hay đã khó, nhưng để nó được thực thi hiệu quả lại càng khó hơn. Điều này đã được thực tế chứng minh, bởi nhiều chính sách thu hút đầu tư vào NNNT đưa ra, nhưng do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, nên kém sức hấp dẫn đối với DN. Cũng có ý kiến đề xuất như cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục cấp phép, quản lý hoạt động đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật NNNT; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường, vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực; thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư, xây dựng quy hoạch vùng và cơ cấu sản phẩm; hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư, chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu… Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, trong thời gian tới, để tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp, ngoài chính sách khuyến khích của Nhà nước, các DN đầu tư lĩnh vực nông nghiệp cần năng động, mạnh dạn tìm hướng đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Bởi điều này Nhà nước không thể làm thay được.
Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 8.600 DN nông nghiệp đang tham gia sản xuất, kinh doanh, chiếm trên 4% tổng số DN của tất cả các ngành kinh tế. Hiện có trên 98% số DN hoạt động trong ngành nông nghiệp là DN nhỏ và vừa; số lượng DN 100% vốn nhà nước ngày càng giảm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.