(HNM) - Bộ NN&PTNT vừa triển khai đến các địa phương Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ). Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để các tỉnh, thành phố tranh thủ lợi thế, thay đổi tư duy, tạo không gian phát triển mới cho khu vực nông thôn.
Hiệu quả rõ nét
Huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội) có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch. Hiện đang có 15 doanh nghiệp du lịch và 70 điểm du lịch homestay đang hoạt động, tập trung ở các xã dân tộc, miền núi. Phát triển du lịch không chỉ tạo nhiều việc làm cho người dân các xã vùng dân tộc, miền núi, giúp bà con có thu nhập cao, ổn định mà còn làm cho diện mạo làng quê Ba Vì ngày một khang trang, sạch, đẹp hơn. Bà Ma Thị Thanh, thôn Bài, xã Yên Bài (huyện Ba Vì) đã tìm được việc làm ổn định tại một khu du lịch trên địa bàn xã, cho biết: “Công việc chính của tôi là vệ sinh khu du lịch, nấu ăn phục vụ du khách. Sáng đi làm, chiều về, thu nhập mỗi tháng 5-7 triệu đồng mà vẫn làm thêm được ruộng vườn”.
Hiện các mô hình du lịch đã tạo sức hút mới cho các làng quê. Điển hình như tại huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), 12 hộ dân ở khu vực Đồng Sen đã khai thác loại hình du lịch trải nghiệm với các dịch vụ: Chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, thu hoạch sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen… thu hút đông đảo du khách tham quan.
Còn tại tỉnh Lào Cai, với lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên, các địa phương đã xây dựng được nhiều sản phẩm đặc trưng, trong đó có du lịch cộng đồng gắn với khai thác các giá trị văn hóa địa phương. Hiện tại Lào Cai có 365 cơ sở homestay, tập trung tại các huyện, thị xã: Sa Pa (300 hộ), Bắc Hà (46 hộ), Bát Xát (11 hộ), Bảo Yên (7 hộ)… Du lịch nông thôn đã góp phần đổi thay đời sống của người dân địa phương. Tại thị xã Sa Pa, người dân tộc Dao Đỏ (xã Tả Phìn) đã khai thác vốn tri thức dân gian trong việc chữa bệnh và đã phát triển thành thương hiệu “Tắm lá thuốc dân tộc Dao Đỏ - Tả Phìn”. Hay như người dân tộc Mông, bản Cát Cát (thị xã Sa Pa) phát triển dịch vụ bán hàng lưu niệm, dẫn đường tại các điểm du lịch...
Phát triển bài bản hơn
Để phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của Chương trình là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, qua đó nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững…
Mục tiêu đến năm 2025 là phát triển, chuẩn hóa các “điểm đến” và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng được ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Cùng với mục tiêu là hàng loạt giải pháp cần triển khai thực hiện với những hỗ trợ cụ thể về quy hoạch, nguồn lực đầu tư, kiến thức, kỹ năng làm du lịch... Từ đó hình thành và phát triển các “điểm đến” ở nông thôn một cách bài bản hơn...
Triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT yêu cầu, các đơn vị, địa phương cần xác định đây là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, hành động cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, người dân, khách du lịch… về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương cần tập trung xây dựng các “điểm đến”, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ...
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, làm du lịch nông thôn với niềm tự hào của quê hương, xứ sở đó mới là giá trị cao nhất. Phát triển du lịch nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Sự kết hợp giữa thực hiện Chương trình OCOP và Chương trình du lịch nông thôn chính là nằm trong tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Không chỉ là đầu tư cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng nông thôn mà còn là kiến tạo thiết chế xã hội nông thôn, xây dựng không gian phát triển kinh tế nông thôn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.