(HNM) - Gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, môi trường ở nông thôn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, xuất hiện nhiều làng quê sáng - xanh - sạch - đẹp.
Những năm gần đây, bằng nhiều nỗ lực, công tác thu gom rác thải ở nông thôn trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc thu gom do các công ty môi trường phụ trách hằng ngày hoặc từ 2 đến 3 ngày/tuần theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng tập kết rác thải bừa bãi, không đúng nơi quy định... Đơn cử, trên tuyến đường 419 - đoạn qua địa bàn xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) theo quan sát của phóng viên, có rất nhiều đống rác thải sinh hoạt người dân chất hai bên đường, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị.
Tại huyện Gia Lâm, dọc tuyến đường lớn chạy qua xã Kiêu Kỵ, rất nhiều đống rác lớn nhỏ là phế thải từ nghề may da vứt bừa bãi ven đường. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần thừa nhận, khó khăn nhất đối với huyện hiện nay trong xây dựng nông thôn mới là vấn đề môi trường. Hiện, rác thải làng nghề mới thu gom đạt 85% và vẫn còn tồn tại tình trạng rác thải sinh hoạt để không đúng nơi quy định…
Trong khi đó, tại xã Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ), sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, các đoàn thể, người dân đã tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Trạch Mỹ Lộc Hà Xuân Hùng, toàn xã vẫn còn khoảng 9km cống rãnh chạy quanh các ngõ xóm chưa có nắp đậy, cùng với chất thải từ một số hộ nuôi lợn trong khu dân cư... khiến môi trường ở địa phương bị ô nhiễm.
Theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, môi trường là một trong những tiêu chí yêu cầu cao nhất với 8 chỉ tiêu, đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các địa phương trong quá trình xây dựng và giữ vững danh hiệu nông thôn mới.
Khắc phục ô nhiễm môi trường không chỉ là tiêu chí quan trọng để các địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới mà còn tạo dựng môi trường trong lành, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Xác định rõ điều này, thành phố đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đề án Bảo vệ môi trường làng nghề Hà Nội đến 2020 và định hướng đến 2030. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, mới đây, tại hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác và Phát triển”, thành phố đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín... với tổng vốn đầu tư dự kiến là 569 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư 48 cụm công nghiệp phát triển làng nghề trên địa bàn các huyện với tổng vốn đầu tư dự kiến là 8.983,8 tỷ đồng.
Tại các huyện, nhiều giải pháp cải thiện ô nhiễm môi trường cũng đang được triển khai.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần, huyện đã xác định 233 vị trí đầu tư xây dựng vườn hoa, sân chơi, ao, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp và xây dựng phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường của huyện, giao cho các phòng, ban, đơn vị liên quan thực hiện. Bên cạnh đó, huyện đang triển khai thí điểm việc thu gom rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định; lên kế hoạch đầu tư 12 nhà tập kết rác dạng kín, có mái che… để không còn tình trạng đổ rác bừa bãi...
Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền, vệ sinh môi trường không tốn nhiều kinh phí nếu tuyên truyền, vận động tốt là có thể thực hiện được. Các địa phương cần phát động, tạo phong trào sôi nổi, nền nếp trong vệ sinh môi trường; đưa việc bảo vệ môi trường vào nội dung sinh hoạt của khu dân cư, kết hợp động viên, khích lệ, nâng cao ý thức trong nhân dân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.