Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Mai| 14/12/2018 07:14

(HNM) - Tại hội nghị giao ban quý III của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 của Thành ủy, nhiều địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm hay trong xây dựng nông thôn mới.

Nông dân xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) chăm sóc rau an toàn. Ảnh: Thái Hiền


Nỗ lực cải thiện đời sống nhân dân


Đến nay, huyện Phú Xuyên đã có 16/26 xã (chiếm 61,5% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Là huyện thuần nông, thời gian qua Phú Xuyên đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Toàn huyện đã chuyển đổi được 2.430ha từ lúa kém hiệu quả sang các cây, con hiệu quả cao, trong đó có 89 trang trại đạt tiêu chí, tăng 16 trang trại so với năm 2015.

"Vụ đông này, huyện Phú Xuyên tiếp tục đưa vào nhiều mô hình mới như trồng hành tỏi, bí đỏ, ngô ngọt... có hỗ trợ cụ thể cho các mô hình về giống, phân bón, kỹ thuật... Nhờ vậy, bà con tham gia vụ đông rất sôi nổi, tăng thu nhập và giúp Phú Xuyên giữ phong trào trồng cây vụ đông mạnh nhất thành phố" - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho biết.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng, huyện có thế mạnh trồng rau và hoa nên theo quy hoạch, Mê Linh tiếp tục thu hẹp diện tích trồng lúa từ 5.000ha xuống còn 3.000ha để dành đất cho các mô hình giá trị cao hơn. Riêng với cây hoa, Mê Linh vận động, tạo điều kiện cho các hộ chuyển hướng trồng hoa thế đạt giá trị cao đi kèm hỗ trợ cụ thể cho các mô hình chuyển đổi.

Cùng với nâng cao thu nhập cho nông dân, nhiều huyện tập trung cho tiêu chí môi trường, hướng đến xây dựng huyện xanh, sạch, đẹp với mục tiêu cốt lõi là tạo môi trường sống tốt hơn, cải thiện đời sống nhân dân. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần, Gia Lâm đã xây dựng kế hoạch “Triển khai thực hiện đề án đầu tư, quản lý vườn hoa, sân chơi, ao hồ trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020; huyện đã rà soát, chọn được 233 vị trí để xây dựng các công trình vườn hoa, sân chơi, ao hồ với kinh phí đầu tư hơn 747 tỷ đồng. Các công trình hoàn thành, tạo điểm nhấn sạch, đẹp, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân.

Tương tự, huyện Phúc Thọ cũng đang tập trung chỉnh trang cảnh quan vệ sinh môi trường nông thôn. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Việt Liên cho biết, Phúc Thọ đã phát động các xã chỉnh trang toàn bộ tuyến đường trục chính; thường xuyên tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào các ngày cuối tuần; xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, giải tỏa chợ cóc, chợ họp ven đường... gây cản trở giao thông. Đặc biệt, huyện sẽ chọn mỗi xã, thị trấn một cụm dân cư để xây dựng cụm dân cư kiểu mẫu về cảnh quan môi trường.

Tham khảo kinh nghiệm hay

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền, đến nay, TP Hà Nội có 4 huyện và 297 xã (chiếm 76,94% tổng số xã toàn thành phố) đạt chuẩn nông thôn mới. Đáng mừng là đời sống nông dân không ngừng được cải thiện; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến tháng 6-2018 ước đạt 43,16 triệu đồng/người/năm. Riêng với tiêu chí thu nhập, Hà Nội hiện có 352/386 xã đạt và cơ bản đạt, tăng 9 xã so với cuối năm 2017.

Tại hội nghị giao ban quý III của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Thành ủy mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá: Các huyện, thị xã đã bám sát chỉ đạo của thành phố, chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Với 4 huyện: Gia Lâm, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tiêu chí huyện nông thôn mới, chủ động mời các sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện. Nhiều địa phương đã phát động phong trào thực hiện đường có hoa, cây cảnh, bức tường bích họa, nhà có số, phố có tên... đạt kết quả tốt như các huyện: Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên... Vì thế, nhân dân rất phấn khởi, tích cực tham gia thực hiện chương trình.

Mục tiêu năm 2019, Hà Nội có 30 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và có thêm 2-3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới... Để hoàn thành mục tiêu này, việc triển khai đồng bộ các giải pháp như huy động và sử dụng các nguồn lực hiệu quả; tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo; duy trì và nâng chất các tiêu chí đã đạt... là hết sức quan trọng. Đặc biệt, những kinh nghiệm quý của các địa phương cần được phổ biến rộng rãi. "Mỗi xã, mỗi huyện đều có cách làm hay, bởi vậy, các huyện cần tham khảo, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để nhân rộng cách làm hay, tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.