Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đột phá thúc đẩy hoạt động dầu khí

Thanh Hải| 18/08/2022 06:46

(HNM) - Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022, kỳ vọng sau khi ban hành sẽ tháo gỡ những vướng mắc, tạo ra bước đột phá về thể chế để thúc đẩy phát triển hoạt động dầu khí.

Đây cũng chính là động lực để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục đưa nguồn tài nguyên dầu khí vào phục vụ cho sự phát triển đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia trên biển.

Giàn khoan mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Trung Hiếu

Đến nay, Dự thảo Luật đã nhiều lần được góp ý, bổ sung, chỉnh lý và đang đi đến giai đoạn hoàn thiện trình các cơ quan của Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Để Luật Dầu khí khi ban hành đi vào thực tế, giải quyết được các vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực, tạo khung pháp lý hoàn chỉnh thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí; dựa trên thực tiễn hoạt động dầu khí, cũng như thông lệ quốc tế, hiện vẫn còn một số điều mà các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư mong muốn Dự thảo Luật sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý để khi ban hành Luật đi vào cuộc sống, đáp ứng những kỳ vọng đặt ra.

Về vấn đề “Lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, theo dự thảo Luật sửa đổi dễ xảy ra xung đột với Luật Đấu thầu. Cụ thể như, dầu khí có đặc thù là có một số lô nằm trong vùng đặc biệt không được phép đấu thầu quốc tế mà chỉ đấu thầu hạn chế trong nước; hay việc thực hiện lựa chọn nhà thầu theo thông lệ quốc tế... Do đó, cần thiết điều chỉnh việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí thực hiện theo quy định Luật Dầu khí và Hợp đồng dầu khí, bảo đảm nguyên tắc công bằng, cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả và Chính phủ quy định chi tiết việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí.

Ngoài ra, rất nhiều ý kiến góp ý về tháo gỡ những xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với các luật khác như: Xung đột với Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong quy định về chuyển nhượng quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí; hay như nội dung thẩm định các báo cáo ODP, EDP phải tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng…

Thực tế, những mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Dầu khí và các luật khác diễn ra khá phổ biến trong thực tiễn. Chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh đã chậm nhiều năm so với kế hoạch ban đầu. Theo Giám đốc Kỹ thuật và an toàn sức khỏe môi trường Công ty ExxonMobil Vietnam Vương Minh Đức, đây là dự án thượng nguồn nhưng có những hoạt động, công trình dầu khí nằm ngoài diện tích hợp đồng dầu khí, đặc biệt là có những hạng mục trên bờ. Trong quá trình triển khai dự án đã gặp rất nhiều vấn đề về giải quyết những mâu thuẫn giữa Luật Dầu khí hiện hành với Luật Đất đai và Luật Xây dựng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án.

Tiến sĩ Ngô Thường San, nguyên Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, với những phát hiện khí trữ lượng cực lớn gần đây là cơ sở để xem “khí thiên nhiên” là tài nguyên hydrocarbon tiềm năng, năng lượng sạch của Việt Nam trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, yếu tố đặc biệt quan trọng bảo đảm cho sự thành công và hiệu quả để phát triển các mỏ khí là tính đồng bộ về thời gian, kế hoạch, trình tự hoàn thành các khâu. Hiệu quả toàn dự án là hiệu quả chuỗi. Sự chậm trễ và tính không đồng bộ, thiếu sự chỉ đạo quyết đoán từ phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm mất yếu tố thời cơ, thiệt hại không đáng có. Hiện có nhiều quy định trong các luật chi phối hoạt động dầu khí như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng xung đột với Luật Dầu khí, thông lệ dầu khí quốc tế, không phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng. Vấn đề này cần được giải quyết thì mới có thể thúc đẩy được hoạt động dầu khí.

Bên cạnh việc đề xuất bổ sung thêm các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào ngành Dầu khí cho phù hợp với tình hình mới, hiện trạng tài nguyên và cạnh tranh so với khu vực thì mong muốn lớn nhất của những doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực dầu khí là tháo gỡ vướng mắc về sự chồng chéo, bất cập giữa các luật.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, ra đời từ năm 1993 đến nay đã gần 30 năm, Luật Dầu khí hiện hành từ lần sửa đổi mới nhất năm 2008 đến nay thì hệ thống pháp luật thay đổi rất nhiều, hàng loạt các luật mới ra đời, tạo ra sự chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, thực tiễn quốc tế nói chung và với ngành Dầu khí thế giới cũng thay đổi rất nhiều.

Do đó, Tiến sĩ Phan Đức Hiếu chỉ ra những nhóm nội dung chính trong sửa đổi Luật Dầu khí, như: Bổ sung thêm khung thể chế cho hoạt động dầu khí, cụ thể là tạo cơ chế cho các hoạt động đã diễn ra trong thực tế nhưng luật hiện hành chưa có quy định; đồng bộ Luật Dầu khí với các quy định khác của pháp luật; chính sách về ưu đãi đầu tư trong điều kiện mới; chính sách kế toán, kiểm toán, quyết toán; cơ chế tài chính; phân cấp, phân quyền…

Trước rất nhiều những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đã cản trở hoạt động dầu khí, đặc biệt là hoạt động đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác trong những năm qua, mong rằng Luật Dầu khí sửa đổi sẽ thật sự đi vào thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết được các vướng mắc, cũng như giảm phát sinh những vướng mắc mới, thúc đẩy và phục vụ hiệu quả cho sự phát triển của ngành Dầu khí nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá thúc đẩy hoạt động dầu khí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.