Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sửa đổi Luật Dầu khí cần tính đến vấn đề chủ quyền quốc gia trên biển

Đình Hiệp - Tiến Thành| 03/06/2022 17:04

(HNMO) - Chiều 3-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết nhằm cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí; phát triển kinh tế biển và chủ quyền quốc gia trên biển.

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận.

Năng lượng trở thành “vũ khí” lợi hại

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về năng lượng. Điều này hoàn toàn phù hợp với nội dung trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). 

“Tuy nhiên, Chính phủ cần có đánh giá các tác động để thấy rõ tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, trong đó có vấn đề Biển Đông; những tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đến tình hình năng lượng thế giới và những cam kết của Việt Nam đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Trong báo cáo của Chính phủ vẫn chưa có đánh giá, kinh nghiệm của các quốc gia trong lĩnh vực này nên cần tiếp tục rà soát lại”, đại biểu Tạ Đình Thi kiến nghị.

Về nội dung trên, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) được tiến hành trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động khi năng lượng trở thành “vũ khí” lợi hại của một số quốc gia. Vì thế, việc sửa đổi luật này cần đặt trong khía cạnh bảo đảm an ninh, chính trị quốc gia, đặc biệt việc khai thác dầu khí trên biển còn là vấn đề chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. 

“Những mối quan hệ này phải được xử lý hài hòa nhằm tăng cạnh tranh đầu tư vào lĩnh vực dầu khí thời gian tới khi chi phí tăng cao. Trong đó, chúng ta cần đưa ra chính sách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để hoạt động hiệu quả hơn”, đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận.

Liên quan đến dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) quan tâm đến mức thu hồi chi phí cho nhà đầu tư với các mỏ khác nhau, bởi trong dự thảo Luật chưa có tiêu chí cụ thể để xác định mức tối đa trong việc phân chia tỷ lệ. Theo đại biểu phân tích, việc lựa chọn nhà đầu tư cho từng mỏ dầu khác nhau cũng có nhiều cách, song cần ưu tiên cho PVN vì vấn đề chủ quyền và nhiều lô không phải nhà đầu tư nào cũng làm được trên thực tế.

Đại biểu Lại Thế Nguyên (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, quy định về nghĩa vụ tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí yêu cầu trình Bộ Công Thương phê duyệt báo cáo kết quả thẩm tra cơ bản về dầu khí, ngoài ra còn có quy định nộp mẫu vật về Bộ Công Thương. Do đó, đại biểu đề nghị hai điểm nhập thành một cho gọn, giảm bớt thủ tục hành chính.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) đề nghị cơ quan soạn thảo luật cần làm rõ vai trò của PVN. Theo bà Kim Anh, PVN là doanh nghiệp nhà nước nhưng cũng là một doanh nghiệp rất đặc thù…

Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát quy định đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn nhà nước tại PVN, doanh nghiệp 100% vốn của PVN.

"Nếu giao cho PVN cả hoạt động giám sát nữa thì có nghĩa "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đơn vị quản lý PVN) sẽ thực hiện chức năng giám sát, để đảm bảo tính khách quan", ông Nguyễn Hồng Diên cho hay.

Tránh một tổ chức sử dụng nhiều băng tần

Thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật quy định khi được cấp giấy phép băng tần, doanh nghiệp muốn sử dụng để triển khai mạng viễn thông phải có cam kết triển khai mạng viễn thông. Tuy nhiên, quy định cam kết chưa rõ ràng, dễ xảy ra tình trạng áp dụng khác nhau trên thực tế. Đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật quy định chặt chẽ hơn, tránh một tổ chức sử dụng nhiều băng tần, một doanh nghiệp thâu tóm quá nhiều băng tần sẽ ảnh hưởng cạnh tranh. Bên cạnh đó, khi quyết định số lượng băng tần tối đa được cấp thì cơ quan thẩm quyền cần báo cáo Chính phủ.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ chiều 3-6.

Đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) cho ý kiến về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong trường hợp đặc biệt (bổ sung khoản 4 Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện). Cụ thể, điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện được bổ sung khoản 4 như sau: “Trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh cần sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế phải có phương án sử dụng băng tần báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo nguyên tắc phương án sử dụng kết hợp không làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông”.

Đại biểu Lê Nhật Thành cũng nhất trí với ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khi cho đây là vấn đề hệ trọng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện. Bởi khi sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, đồng nghĩa với việc chuyển đổi cơ chế ưu tiên, bảo mật đặc biệt sang cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật quốc phòng, an ninh và bí mật nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cho biết, báo cáo giải trình của Bộ Công an làm rõ quan điểm về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Đây là điều cần thiết khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển không ngừng với những tiến bộ của khoa học công nghệ mà chúng ta không thể bắt kịp. Theo đại biểu, để đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm 20% trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, thì việc sớm khắc phục những bất cập trong Luật Tần số vô tuyến điện có ý nghĩa quan trọng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Luật Dầu khí cần tính đến vấn đề chủ quyền quốc gia trên biển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.