(HNMO) - Sáng 3-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, qua thực tiễn đánh giá thi hành Luật Dầu khí được ban hành ngày 6-7-1993, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2000, Bộ Công Thương nhận thấy Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Đồng thời, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 chương 64 điều. Theo đó, Luật Dầu khí (sửa đổi) kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.
Nội dung của dự thảo luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 17/2021/QH15), cụ thể: Chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; Chính sách quy định về điều tra cơ bản và dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; Chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý.
Tiếp đó là chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; Chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí; Chính sách quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.
Đối với chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt (Luật chỉ nêu nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này hoặc giao Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể) (Điều 46). Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, giữ nguyên các mức ưu đãi theo quy định hiện hành, cụ thể giữ nguyên mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32% và thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10%, tỷ lệ thu hồi chi phí là 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm (Điều 46).
Lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự án luật, ngoài ra, có ý kiến về một số nội dung.
Trước hết, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án luật (Điều 1 và Điều 2 dự thảo luật), nhiều ý kiến đề nghị báo cáo về tác động của việc các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn không được quy định tại Luật Dầu khí đối với mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị dầu khí và việc quản lý toàn diện, đồng bộ hoạt động dầu khí. Hoạt động vận chuyển, tồn trữ, phân phối, xử lý, chế biến là hoạt động đầu tư kinh doanh có điều kiện, thực tế có nhiều yếu tố đặc thù, cần có quy định riêng điều chỉnh theo hướng chặt chẽ, phù hợp với đặc tính của hoạt động.
Một số ý kiến nhất trí phạm vi điều chỉnh chỉ giới hạn hoạt động dầu khí thượng nguồn, gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ quyền biển đảo quốc gia. Đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thì thực hiện theo quy định tại các luật khác có liên quan.
Về lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (Chương III dự thảo luật), Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát quy định về điều kiện tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nhất là điều kiện về “không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu”, quy định về “liên danh với các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia đấu thầu”.
Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định cụ thể những nội dung mang tính nguyên tắc cơ bản về việc nhà đầu tư lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, không phân biệt quốc tịch của nhà đầu tư hay nguồn vốn thực hiện dự án. Các nhà đầu tư dầu khí có quy trình, thủ tục riêng để lựa chọn nhà thầu nhưng phải trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc cơ bản này; trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và doanh nghiệp 100% vốn của PVN, đồng thời là nhà đầu tư dầu khí thì việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí phải được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về đấu thầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.