Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo động lực mới cho “tam nông”

Thế Văn| 01/06/2020 06:35

(HNM) - Thu hút sự quan tâm của dư luận trong tuần qua là tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến đối với Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn 5 năm (từ ngày 1-1-2021 đến 31-12-2025).

Trong nghị trường cũng như ngoài dư luận, đa số đều tán thành với việc ban hành nghị quyết này. Bởi lẽ việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là một bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ "điểm tựa" là hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chính sách này góp phần tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; cải thiện, nâng cao đời sống nông dân; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hơn nữa, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện từ năm 2001 đến nay, đã và đang khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, để chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, phát huy hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo thì cần nhìn nhận và khắc phục những hạn chế, bất cập đang đặt ra hiện nay.

Trước hết, vẫn còn tình trạng tại một số vùng nông thôn, chính quyền địa phương đã “phù phép” biến một số loại phí trong lĩnh vực nông nghiệp thành các khoản thu khác. Điều này dẫn đến một bất cập là, trong khi Nhà nước miễn giảm thuế sử dụng đất để “khoan thư sức dân” thì vẫn có những người nông dân phải “cõng” nhiều loại phí vô lý. Rõ ràng, dù nhiều hay ít thì đây là một rào cản đối với chính sách “sâu rễ bền gốc”, cần loại bỏ.

Cùng với đó là tình trạng có không ít đất nông nghiệp đã được giao đến từng hộ dân nhưng bị bỏ hoang hóa do nông dân không canh tác, hoặc canh tác không hiệu quả bởi nhiều lý do. Chưa kể đến hiện tượng đầu cơ, thu mua đất nông nghiệp nhưng không đầu tư sản xuất mà để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai dự án… Những vấn đề này đòi hỏi phải có các giải pháp cụ thể để việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến đúng đối tượng và loại bỏ những hành vi trục lợi từ chính sách trên.

Miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là để “khoan thư sức dân”, cũng vì vậy cần gắn với việc quản lý chặt chẽ, không để tình trạng người cần thì thiếu đất để sản xuất, trong khi nhiều diện tích đất, những “bờ xôi ruộng mật” bị bỏ hoang. Mặt khác, để người dân gắn bó với sản xuất nông nghiệp, cùng với việc giảm thu từ người nông dân thì tăng đầu tư cho “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) là hết sức cần thiết và có thể nói, đây là động lực mang tính chất quyết định.

Trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai, biến đổi khí hậu bất thường, cũng như tình trạng dịch bệnh khó kiểm soát như hiện nay thì rủi ro đến với người nông dân càng nhiều hơn. Chưa kể những thách thức ngày càng lớn từ biến động về giá cả thị trường đối với vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp khi phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu… Mặt khác, trong khi người nông dân thiếu vốn, thiếu kỹ thuật canh tác, thiếu tư duy thị trường… thì các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo một thống kê, hiện mới có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó có tới 93% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Số lượng ít, quy mô nhỏ, doanh nghiệp chưa thể là động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Do vậy, cùng với những chính sách hỗ trợ trực tiếp, khuyến khích người dân gắn bó với đất đai, mùa vụ, yên tâm sản xuất như miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cần có thêm nhiều hơn nữa những chính sách, cơ chế để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực “tam nông” cũng như khuyến khích việc tập trung, tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần hỗ trợ, tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn.

Trong xu thế phát triển mới, để nền sản xuất nông nghiệp thêm sức bật, thì cùng với việc giảm thu từ nông dân, cần tạo động lực mới thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hướng tới hai mục tiêu lớn: Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng như lợi ích kinh tế của người nông dân, doanh nghiệp.

“Khoan thư sức dân” và tạo động lực mới cho “tam nông” chính là giải pháp “sâu rễ bền gốc”, cũng là để nông nghiệp, nông dân, nông thôn trở thành bệ đỡ phát triển kinh tế - xã hội!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo động lực mới cho “tam nông”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.