Tình trạng vi phạm đất công ích tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, với hàng nghìn trường hợp chưa được xử lý dứt điểm, trong khi vi phạm mới tiếp tục phát sinh.
Mặc dù các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục, song tỷ lệ xử lý vi phạm vẫn ở mức thấp. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách phải có giải pháp đồng bộ, từ tăng cường giám sát, hoàn thiện chính sách đến nâng cao trách nhiệm quản lý, nhằm bảo vệ tài nguyên đất và giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực này.
Vi phạm vẫn diễn biến phức tạp
Tình trạng vi phạm đất công ích và đất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, khi các vi phạm cũ chưa được xử lý dứt điểm, đã xuất hiện thêm những sai phạm mới.
Thị xã Sơn Tây hiện có hơn 364ha đất công ích ở 13 xã, phường, trong đó có 102ha giao cho các hộ dân canh tác; hơn 6ha cho thuê, chưa thanh lý hợp đồng; 232ha đã hết hạn hợp đồng, nhưng chưa bàn giao, nhiều hộ dân vẫn tự ý canh tác... Theo UBND thị xã Sơn Tây, công tác quản lý đất công gặp nhiều khó khăn do thiếu hồ sơ quản lý chi tiết từng thửa đất, chưa có sổ mục kê và trích đo diện tích cụ thể. Các thông tin chỉ nằm trong các báo cáo tổng hợp hằng năm và bản đồ từ trước năm 2000, dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý cũng như khó xử lý triệt để khi xảy ra vi phạm.
Trong khi đó tại địa bàn huyện Gia Lâm hiện vẫn ghi nhận còn hơn 150 vị trí có vi phạm đất công chưa xử lý dứt điểm (vi phạm trước năm 2024), chưa kể 19 vị trí vi phạm khác mới xuất hiện trong năm 2024. Đáng nói, ở các xã: Dương Xá, Dương Quang tồn tại nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng trên đất công, làm mất mỹ quan và cản trở giao thông. Đặc biệt, khu Bãi Đầm của xã Yên Viên có hơn 10 vị trí đất công bị vi phạm bởi các hộ dân thuê từ trước năm 2014. Xã Kim Lan cũng gặp tình trạng tương tự, với 156 hộ dân lấn chiếm đất công để sản xuất và chứa hàng gốm sứ.
Cùng chung thực trạng trên còn có huyện Thanh Trì với nhiều vi phạm đất công tiếp tục diễn ra, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý. Chủ tịch UBND xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Xuân Thọ cho biết, diện tích đất nông nghiệp bị san lấp trái phép trên địa bàn xã mới đây đều là đất công. Khu vực này đã được đấu thầu cuối năm 2023 với mục đích nuôi trồng thủy sản và cây xanh, nhưng một số hộ dân đã tiến hành san lấp hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp để sử dụng. Còn theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) Nguyễn Đình Thuật, trên địa bàn xã có khoảng 400m² đất công bị san lấp trái phép, trong khi khu vực này được UBND huyện Thanh Trì ký hợp đồng cho thuê để nuôi trồng thủy sản.
Dọc tuyến đường Đại Thanh, thuộc địa bàn các xã: Đại Áng, Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh... huyện Thanh Trì, tình trạng san lấp đất nông nghiệp trái phép cũng diễn ra khá phổ biến. Dù UBND huyện đã chỉ đạo khắc phục, song chính quyền cấp xã chưa có biện pháp xử lý mạnh mẽ, khiến vi phạm ngày càng lan rộng và khó kiểm soát. Điều này cho thấy, thách thức trong việc xử lý vi phạm đất công ích hiện nay không chỉ là giải quyết các tồn đọng, mà còn ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh, bảo đảm an ninh, trật tự và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.
Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý triệt để
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp công ích và đất công trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều, chưa được giải quyết triệt để. Đối với đất công, Hà Nội đã phát hiện tổng cộng 9.245 trường hợp vi phạm vào cuối năm 2020, tương đương 246,03ha. Đến nay, con số này đã tăng lên 10.373 trường hợp với diện tích vi phạm tăng thêm 43,63ha. Trong giai đoạn 2021-2022, thành phố xử lý được 3.399 trường hợp trên diện tích 65,53ha, song vẫn còn 6.974 trường hợp vi phạm với tổng diện tích 224,13ha chưa được giải quyết. Một số địa phương, như: Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Tây Hồ…, tỷ lệ xử lý vi phạm chưa tới 10%.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong cho biết, hiện nay, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý quỹ đất công, dù đã cho thuê, thầu khoán theo quy định. Việc giám sát tại chỗ chưa được thực hiện thường xuyên, khiến vi phạm đất đai tái diễn. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn thiếu hiểu biết về luật pháp, sử dụng đất công cho mục đích kinh doanh trái phép, gây áp lực cho công tác quản lý ở địa phương.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác xử lý vi phạm không quyết liệt, nhiều địa phương chưa tập trung thực hiện theo kế hoạch đề ra. Việc kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt ở khu vực có diện tích đất vi phạm lớn, như bãi sông hay khu đất công, đòi hỏi nhiều chi phí và nhân lực, dẫn đến chậm tiến độ xử lý vi phạm. Để khắc phục tình trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là tại các khu vực có nguy cơ tái lấn chiếm cao.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiến nghị ban hành chính sách linh hoạt và phù hợp với điều kiện từng khu vực, tránh tình trạng vi phạm tái diễn hoặc khó xử lý. Việc kiểm tra trách nhiệm của cán bộ quản lý địa phương được đề cao, nhằm bảo đảm trách nhiệm trong quản lý đất đai. Một số biện pháp kỹ thuật như thiết lập rào chắn, gắn camera giám sát, hoặc cảnh báo tại khu vực dễ bị tái lấn chiếm cũng cần được triển khai sau khi giải tỏa vi phạm. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng khuyến khích các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đất đai để giám sát và cập nhật dữ liệu chính xác, từ đó hỗ trợ việc quản lý và xử lý vi phạm...
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán:
Tăng cường giám sát, quản lý đất đai
Trên địa bàn thị xã Sơn Tây hiện có nhiều thửa đất công ích đã hết hạn hợp đồng, song chưa thể thanh lý hoặc đã thanh lý nhưng bị lấn chiếm. Trước thực trạng này, Thường trực HĐND thị xã đã yêu cầu UBND thị xã chỉ đạo các xã, phường có đất công ích tiến hành rà soát, thống kê, thiết lập hồ sơ quản lý và có phương án sử dụng hiệu quả diện tích đất công ích. UBND thị xã yêu cầu các xã, phường tiến hành rà soát thực địa, lập hồ sơ quản lý, công khai đến từng thửa đất để người dân nắm rõ và đẩy nhanh tiến độ đấu giá cho thuê đất công ích với các thửa đủ điều kiện.
Đặc biệt, các xã, phường cần tăng cường giám sát, quản lý đất đai, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc tuân thủ pháp luật về sử dụng đất công ích. Đồng thời, các xã, phường lên kế hoạch xử lý các trường hợp thuê đất sai mục đích, bảo đảm tuân thủ quy định và kịp thời ngăn chặn, xử lý dứt điểm vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh:
Tạo không gian xanh từ quỹ đất công
Trên thực tế, quỹ đất công ở nhiều nơi vẫn bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích, gây lãng phí và khó khăn trong quản lý. Trước tình hình đó, các tổ công tác liên ngành của huyện Hoài Đức đã và đang được thành lập, có nhiệm vụ khảo sát và đánh giá thực trạng để đề xuất phương án sử dụng đất công sao cho hiệu quả nhất.
Theo đề xuất từ các tổ công tác, những khu vực đất công ích có thể quy hoạch để làm vườn hoa, công viên xanh, sân chơi, tạo nên không gian sinh hoạt cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần cho người dân. Đồng thời, việc tạo các công trình công cộng cũng giúp hạn chế tối đa nguy cơ lấn chiếm đất, sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, đối với các khu đất công có giá trị cao hoặc vị trí thuận lợi, đề xuất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất đang được cân nhắc kỹ lưỡng. Việc công khai, minh bạch trong các giải pháp sử dụng đất công, đặc biệt là khi xử lý vi phạm, các địa phương đang dần củng cố được niềm tin của người dân, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng.
Chủ tịch UBND xã Xuân Canh (huyện Đông Anh) Nguyễn Kim Nhật:
Linh hoạt hơn trong quản lý đất công ích
Việc quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ đất nông nghiệp công ích ở các xã ven đô, cận đô đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, các xã phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, thay vì giao khoán cho các hộ liền kề. Điều này gặp khó khăn với các thửa đất nhỏ lẻ, xen kẹt hoặc khó canh tác. Do đó, đối với các thửa đất nhỏ lẻ, xen kẹt, khó thanh lý tài sản trên đất hoặc không có đường vào, cấp có thẩm quyền cần tạo điều kiện cho các xã được xử lý linh hoạt hơn.
Cụ thể, nên cho phép giao đất trực tiếp cho các hộ liền kề hoặc cá nhân, tổ chức đang sử dụng hiệu quả, dựa trên giá tham chiếu từ các thửa đất tương tự đã đấu giá thành công. Cơ quan quản lý cấp trên xem xét cơ chế cho phép các xã chủ động xử lý những trường hợp đặc biệt, nhằm tối ưu hóa sử dụng quỹ đất, tránh tình trạng bỏ hoang và lãng phí nguồn lực đất đai cũng như phù hợp với nhu cầu sử dụng đất ở các xã ven đô.
Thanh Bạch ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.