Những năm qua, việc nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả trở thành vấn đề nhức nhối ở cả khu vực đô thị hóa và địa phương thuần nông.
Luật Đất đai 2024, có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, được kỳ vọng mang lại những cải cách quan trọng. Các bộ, ngành đang nỗ lực hoàn thiện quy hoạch đất trồng lúa, sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích, hỗ trợ thủ tục hành chính để thỏa thuận chuyển đổi đất trồng lúa, trao quyền rõ ràng cho người dân và nhà đầu tư, phát huy tối đa giá trị đất đai.
Nhu cầu từ thực tiễn
Từ nhiều năm nay, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) đã tiến hành quy hoạch sử dụng đất kết hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm phát triển sản xuất hàng hóa, đồng thời xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác dịch vụ du lịch. Nhờ các chính sách này, Hồng Vân chuyển dịch rõ rệt trong cơ cấu kinh tế và lao động. Tỷ trọng thương mại, dịch vụ và du lịch ngày càng tăng, tỷ trọng nông nghiệp giảm dần. Giá trị gia tăng từ đất đai chủ yếu đến từ hoạt động tham quan, trải nghiệm, kinh doanh hàng lưu niệm.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Hoa cây cảnh Hồng Vân Nguyễn Thị Thanh Loan cho biết, các trang trại phục vụ du lịch góp phần biến Hồng Vân từ xã nông nghiệp thuần túy thành điểm đến du lịch sinh thái làng nghề, chuyên canh sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác dịch vụ. Đây là đòn bẩy quan trọng giúp Hồng Vân phát huy tối đa nguồn lực đất đai, tạo cơ hội cho người dân làm giàu...
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Trần Quốc Bảo, địa phương vẫn cần hành lang pháp lý đầy đủ cho việc sử dụng đất nông nghiệp kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái, phát triển các mô hình sinh vật cảnh đa giá trị. Hiện tại, cơ chế, chính sách đặc thù cho việc đầu tư hạ tầng du lịch trên đất nông nghiệp chưa được làm rõ, chưa có hướng dẫn chi tiết khiến việc khai thác hạ tầng du lịch gặp nhiều khó khăn. Hồng Vân đang mong đợi hướng dẫn cụ thể từ Luật Đất đai 2024 để phát triển làng nghề du lịch nông nghiệp, phát huy giá trị đất đai...
Tương tự, xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) cũng đang có định hướng trong sử dụng vùng đất trồng lúa. Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn Đặng Minh Đức chia sẻ, xã có đất đai màu mỡ, bằng phẳng, nguồn nước sạch, hệ sinh thái đa dạng; giao thông nông thôn phục vụ các vùng chuyên canh lúa được đầu tư mạnh mẽ. Tuy nhiên, sản xuất lúa mang lại thu nhập thấp khiến nông dân ít mặn mà. Xã mong Luật Đất đai 2024 sẽ tạo cơ sở pháp lý giúp thu hút các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư, đồng thời thành lập các tổ nhóm hợp tác chuyên sản xuất lúa hữu cơ gắn với thương mại dịch vụ.
Phát triển cân bằng, hài hòa lợi ích
Thực tiễn tại các xã như Hồng Vân, Hồng Sơn và nhiều địa phương khác trên cả nước cho thấy, người dân đã linh hoạt kết hợp trồng lúa với nuôi trồng thủy sản, dịch vụ chụp ảnh lưu niệm; trồng hoa và mở quán cà phê... Những mô hình này không chỉ mang lại doanh thu cao hơn mà còn khai thác tối đa tiềm năng đất nông nghiệp. Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi này, thúc đẩy sự phát triển đa mục đích, tăng lợi ích cho người dân và các bên liên quan.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản cho rằng, đất nông nghiệp là một trong những vấn đề đang gây trăn trở cho các cơ quan quản lý. Thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ, đất nông nghiệp chỉ sử dụng để trồng lúa không còn phù hợp; nhu cầu tích tụ ruộng đất kết hợp kinh doanh, sản xuất đang ngày càng gia tăng trong khi ruộng bỏ hoang là việc khó chấp nhận...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Luật Đất đai 2024 không chỉ hướng tới đa dạng hóa mục đích sử dụng đất nông nghiệp mà còn tạo ra sự phát triển cân bằng giữa các vùng miền và chủ thể khác nhau. Điều này bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người trồng lúa. Để duy trì quỹ đất trồng lúa, Nhà nước cần có cơ chế điều tiết ngân sách hỗ trợ các địa phương định hướng phát triển nông nghiệp bền vững; ngăn chặn việc chuyển mục đích sử dụng đất trái phép như xây dựng công trình kiên cố hoặc tạm bợ vượt quá hạn mức trên đất nông nghiệp...
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, người dân sử dụng đất nông nghiệp kết hợp thương mại, dịch vụ cần có phương án rõ ràng nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa các bên. Với những đổi mới của chính sách đất đai theo Luật Đất đai 2024 sẽ góp phần tạo điều kiện sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn...
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Văn Bình, Luật Đất đai 2024 mang đến nhiều thay đổi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Chính sách mới không chỉ hỗ trợ người dân tối ưu hóa giá trị đất đai mà còn tạo điều kiện để họ tham gia vào hoạt động kinh tế đa dạng, góp phần nâng cao thu nhập, tăng chất lượng đời sống. Khi đất đai được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, sẽ thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà đầu tư tiềm năng...
Những điều chỉnh trong Luật Đất đai 2024 hứa hẹn biến đất nông nghiệp thành nguồn lực quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.