Bất động sản

Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích: Đâu là giải pháp để gia tăng hiệu quả?

Bạch Thanh 07/09/2024 14:00

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1-8-2024 cho phép sử dụng đất nông nghiệp theo hướng đa mục đích. Vì vậy, việc xây dựng các quy định chi tiết cho từng loại đất nông nghiệp được sử dụng đa mục đích không chỉ là nhiệm vụ cấp bách của cơ quan chức năng, mà còn là yếu tố quyết định sự thành công, gia tăng hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất nông nghiệp.

viec-su-dung-dat-nong-nghie.jpg
Việc sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích sẽ giúp các mô hình du lịch, dịch vụ, nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả. Trong ảnh: Một khu du lịch sinh thái tại xã Minh Quang (huyện Ba Vì).

Thúc đẩy sự phát triển bền vững

Khoản 1, Điều 218 Luật Đất đai 2024 quy định, có nhiều loại đất được sử dụng kết hợp đa mục đích, trong đó đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu. Điều này giúp tối ưu hóa giá trị đất đai, tạo đà phát triển cho nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt. Người sử dụng đất không được làm thay đổi loại đất đã xác định, không gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và hệ sinh thái tự nhiên...

Để hướng dẫn cụ thể việc sử dụng đất đa mục đích, ngày 30-7-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024. Theo đó, các phương án sử dụng đất phải được cơ quan chức năng phê duyệt, nhằm bảo đảm tính minh bạch và kiểm soát tốt việc khai thác tài nguyên đất đai.

Với quy định cho phép sử dụng đất nông nghiệp theo hướng đa mục đích, ông Lê Thanh Cao ở thôn Phù Đổng 1, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm cho rằng sẽ thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. “Với quy định mới, nhà vườn chúng tôi có thể tận dụng tốt hơn diện tích đất hiện có. Gia đình tôi có thể kết hợp trồng hoa giấy và phát triển khu vườn trải nghiệm cho khách du lịch. Những công trình phục vụ tham quan không chỉ tăng thu nhập, mà còn giúp cho mô hình hoa cây cảnh ở địa phương thêm đẹp, hấp dẫn”, ông Lê Thanh Cao chia sẻ.

Chung quan điểm, theo ông Nguyễn Trung Hiếu, ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì, việc kết hợp trồng dược liệu với du lịch sinh thái là hướng đi bền vững. Đất đai vẫn được sử dụng cho nông nghiệp, mà người dân lại có điều kiện phát triển các khu nghỉ dưỡng nhỏ, thân thiện với môi trường... Trong khi đó, chủ khu nghỉ dưỡng homestay ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì Nguyễn Thị Giang cho rằng: “Việc cho phép lắp đặt nhà lắp ghép hay các công trình tạm trên phần đất nông nghiệp, giúp chúng tôi không vi phạm quy định về sử dụng đất và thu hút khách du lịch”.

Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Văn Bình cho rằng, việc cho phép sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững ở các vùng nông thôn. Điều quan trọng, không chỉ tạo nguồn thu nhập mới, mà còn bảo vệ cảnh quan tự nhiên và duy trì văn hóa địa phương.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ

Theo Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đoàn Thị Thanh Mỹ, để việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng đa mục đích đạt hiệu quả cao nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Việc lập phương án sử dụng đất cần được thực hiện kỹ lưỡng, bao gồm đánh giá tác động môi trường, kinh tế và xã hội. Chính quyền địa phương cần xây dựng quy định chi tiết để hỗ trợ người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp thực hiện đúng theo luật.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải, Trường Đại học Cần Thơ, việc sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích là một bước tiến cần thiết, nhưng đòi hỏi sự cẩn trọng trong quy hoạch. Chúng ta cần đặt lợi ích môi trường lên hàng đầu khi triển khai các dự án sử dụng đất nông nghiệp theo hướng đa mục đích. Nếu quản lý tốt, sẽ tạo ra cú hích cho kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng, việc sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích mang lại nhiều lợi ích cho người dân, song cũng đặt ra thách thức trong việc quản lý. Các địa phương cần phải giám sát kỹ lưỡng, bảo đảm các công trình xây dựng và sử dụng đất phù hợp với quy hoạch và cam kết pháp lý.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp để sử dụng đa mục đích phải có quy mô phù hợp, dễ tháo dỡ và tuân thủ các điều kiện về bảo vệ hệ sinh thái. Đặc biệt, đối với đất trồng lúa, lâm nghiệp hay đất có mặt nước, việc sử dụng đất phải bảo đảm không thay đổi hiện trạng tự nhiên và hệ sinh thái. Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng đất nông nghiệp theo hướng đa mục đích tại Hà Nội, từ du lịch nông nghiệp đến chăn nuôi, trồng trọt. Các quy định này sẽ giúp người dân tối ưu hóa giá trị kinh tế từ đất; đồng thời bảo đảm quản lý tài nguyên bền vững và hỗ trợ phát triển nông nghiệp hiện đại.

Có thể thấy rằng, để tận dụng tối đa cơ hội từ việc sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích, giải pháp quan trọng và hiệu quả là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Đây là cơ hội lớn để tối ưu hóa giá trị đất và thúc đẩy sự phát triển bền vững, song đồng thời cũng là thách thức lớn trong quá trình quản lý các mô hình sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Mạnh Hưng:
Chính sách cần được thiết kế rõ ràng, minh bạch

t7-ykien-nguyen-manh-hung.jpg

Trên địa bàn huyện Ba Vì hiện có hàng chục nghìn héc ta đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và nhiều khu vực có hiện trạng đất là một phần đất ở nằm trên cùng thửa đất nông nghiệp. Trước khi có quy định về sử dụng đất nông nghiệp theo hướng đa mục đích, huyện Ba Vì gặp phải nhiều khó khăn trong việc quản lý và phát triển các mô hình du lịch. Với việc Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực, tạo ra những cơ hội mới cho huyện Ba Vì để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, các chính sách này cần được thiết kế rõ ràng, minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện. Việc giảm thiểu các rào cản về giấy tờ, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc xin phép đầu tư phát triển du lịch là những bước quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư và phát triển du lịch tại địa phương. Ba Vì cũng định hướng việc sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích phải gắn kết chặt chẽ với phong tục, tập quán, văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận:
Tận dụng đất nông nghiệp cho dịch vụ, du lịch

t7-ykien-nguyen-trung-thu.jpg

Việc sử dụng đất nông nghiệp theo hướng đa mục đích ở Hà Nội cần được điều chỉnh linh hoạt, tùy thuộc vào đặc thù của từng vùng. Đặc biệt, tại các khu vực đô thị, ven đô và những nơi có tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch, việc kết hợp nông nghiệp với các hoạt động thương mại và dịch vụ là hướng đi đầy triển vọng. Trong các khu vực này, đất nông nghiệp có thể được chuyển đổi một phần để phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm hoặc khu kinh doanh dịch vụ hoa cây cảnh, rau, củ, quả. Bằng cách phát triển đa dạng các dịch vụ nông nghiệp, chúng ta tạo ra cơ hội việc làm mới và khuyến khích sự phát triển bền vững đất nông nghiệp ven đô, tránh tình trạng để đất nông nghiệp bỏ hoang, hoặc nông dân chán ruộng đồng, để hoang hóa.

Khi đất nông nghiệp được sử dụng đa mục đích, đối với các quận, huyện ven đô sẽ là không gian xanh, sinh thái, góp phần làm đẹp các vùng đất. Mặt khác, giúp quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở ven đô bớt khó khăn, nhức nhối, bức bách giữa nhu cầu phát triển kinh tế địa phương và hành lang pháp lý.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng:
Gỡ khó cho các mô hình nông nghiệp công nghệ cao

t7-ykien-nguyen-tien-hoan.jpg

Theo Luật Đất đai 2024, người dân có thể sử dụng đất nông nghiệp cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, với điều kiện không quá 50% diện tích đất được sử dụng vào mục đích khác và chỉ được xây dựng các công trình dễ tháo dỡ. Đây là bước tiến lớn, tháo gỡ nhiều rào cản trước đây trong việc phát triển các mô hình nông nghiệp cao (nhà màng, nhà kính, nhà lưới hay nhà sơ chế, đóng gói, giới thiệu sản phẩm). Việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp tại các khu vực này mang lại giá trị kinh tế cao, giúp giải quyết việc làm, tạo ra nguồn cung ứng thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, các cơ quan quản lý cần có những hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng đất nông nghiệp tại các khu vực có điều kiện, đặc biệt là vùng ven sông, ngoài đê. Việc này không chỉ giúp giải quyết khó khăn trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mà còn thúc đẩy sản xuất bền vững, bảo vệ đất đai và nguồn nước cho các thế hệ tương lai.

Thanh Dương ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích: Đâu là giải pháp để gia tăng hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.