(HNM) - Do có tốc độ đô thị hóa nhanh, việc dành quỹ đất để phát triển hạ tầng giao thông luôn là bài toán khó với thành phố Hà Nội trong những năm gần đây. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực lớn, giai đoạn 2015-2020, Hà Nội đã hoàn thành nhiều công trình giao thông lớn, quan trọng phục vụ kết nối giao thông với các tỉnh lân cận, cũng như hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khung của khu vực đô thị trung tâm, giảm ùn tắc giao thông.
Tuy việc tăng quỹ đất cho giao thông chưa theo kịp tốc độ gia tăng số lượng phương tiện cá nhân trên địa bàn thành phố, nhưng đã phần nào giải quyết được một số tồn tại nhiều năm trước đây. Những công trình như đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên; cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên... đã xóa được nhiều điểm ùn tắc. Bên cạnh đó, nhiều dự án của Trung ương đầu tư trên địa bàn thành phố như: Đường Vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân… cũng góp phần tăng quỹ đất dành cho giao thông của Thủ đô một cách đáng kể, đồng thời thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và diện mạo của Hà Nội cũng thêm phần khang trang, hiện đại. Kết quả là, nếu như năm 2015, tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông đạt 8,65%, thì đến hết năm 2020 là 10,07%.
Song, với sự phát triển của thành phố hiện nay đang đặt ra những đòi hỏi rất lớn. Do đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định, trong 5 năm tới, Hà Nội phấn đấu đưa tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12-15%; tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh... Để đạt được những mục tiêu này, cần rất nhiều nguồn lực cũng như sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân.
Hiện Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã đề xuất thành phố danh mục các công trình giao thông quan trọng cần ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Căn cứ vào kết quả phê duyệt của thành phố trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện dự án cần sớm xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên công trình có tính cấp bách sao cho hiệu quả và không lãng phí nguồn lực đầu tư.
Thực tiễn còn cho thấy, một trong những trở ngại lớn trong phát triển hệ thống hạ tầng giao thông là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Do đó, những dự án triển khai trong thời gian tới phải đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền về chủ trương, chính sách; công khai thông tin dự án; đối thoại với tổ chức, cá nhân liên quan... để hóa giải ngay mọi vướng mắc từ khi phát sinh.
Song song với việc tăng quỹ đất dành cho giao thông thì công tác tổ chức hệ thống giao thông khoa học, phù hợp với thực tế cũng rất quan trọng. Theo đó, phải thực hiện đồng bộ giải pháp như tăng diện tích bãi đỗ xe tĩnh; phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế sự gia tăng của phương tiện cá nhân, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành... Những giải pháp này đã và đang được thành phố thực hiện, song các cấp, ngành cần rà soát để khắc phục bất cập đang tồn tại, tìm giải pháp phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả hơn. Đặc biệt, cũng rất cần sự hợp tác tích cực của người dân trong việc cùng cơ quan chức năng triển khai các phần việc liên quan đến phát triển các công trình giao thông.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị của thành phố sẽ tạo động lực cho kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển bứt phá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.