Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đà cho Ngành Chăn nuôi của Thủ đô lớn mạnh

Hoàng Văn| 09/01/2017 06:16

(HNM) - Phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp luôn là hướng đi được các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đặc biệt quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Bởi nó không chỉ đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về thực phẩm sạch, an toàn cho người dân Thủ đô mà còn là xu hướng phát triển tất yếu trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế.


Từ tháng 2-2013, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quyết định 1835/QĐ-UBND về Quy hoạch (QH) phát triển chăn nuôi TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Ngành Chăn nuôi của Hà Nội tập trung phát triển sản xuất theo 3 vùng trọng điểm gồm: đồi gò, đồng bằng và bãi ven sông. Trọng tâm của QH này là phát triển đàn lợn, đàn bò thịt chất lượng cao, bò sữa và đàn gia cầm; từng bước đưa sản xuất con giống trở thành sản phẩm chủ lực của Ngành Chăn nuôi và cung cấp giống cho các địa phương khác. Theo đó, chăn nuôi sẽ phát triển theo hướng tập trung xa khu dân cư, giảm dần và tiến tới xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.

Thế nhưng, sau gần 4 năm triển khai thực hiện theo QH, Ngành Chăn nuôi của Hà Nội vẫn chưa định hình rõ hướng đi. Tại hầu hết các địa phương, QH chăn nuôi tập trung mới chỉ thực hiện theo kiểu khoanh vùng, gom hộ chăn nuôi lại thành nhóm nên hiệu quả thấp, quản lý khó khăn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Các khu chăn nuôi tập trung ở các huyện, xã chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao chưa có; chất lượng giống vật nuôi còn thấp; việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hạn chế, người tiêu dùng chưa có nhiều địa chỉ tin cậy để mua thực phẩm an toàn hằng ngày...

Ngoài ra, nhiều chính sách chồng chéo, chưa tạo điều kiện cho người dân đầu tư sản xuất như: Bất cập về lãi suất vay vốn ngân hàng; giá, thời gian thuê đất ngắn, không đủ quay vòng chăn nuôi; thủ tục làm dự án, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện trang trại còn nhiêu khê... là những rào cản khiến chăn nuôi của Hà Nội chưa có sự bứt phá.

TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020: Tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm trên 54% giá trị sản xuất của Ngành Nông nghiệp; tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 420 nghìn tấn; đáp ứng cơ bản nguồn cung thực phẩm an toàn cho người dân Thủ đô và hướng tới xuất khẩu...

Để đạt được mục tiêu này, các cấp, ngành của thành phố cần tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm “cởi trói” về cơ chế chính sách, tổ chức quản lý, đầu tư khoa học vào chăn nuôi. Bởi những vướng mắc lâu nay của chăn nuôi vẫn nằm ở khu vực này. Chỉ khi những vướng mắc, bất cập này được tháo gỡ thì chăn nuôi mới có cơ hội bứt phá. Trong đó, quan trọng nhất là cơ chế tín dụng phải thay đổi, như thủ tục đơn giản hơn, lãi suất thấp hơn, phù hợp với chu trình và tính thời vụ để giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm.

Về lâu dài, thành phố cần tháo gỡ khó khăn trong việc giao đất ổn định cho các hộ chăn nuôi và thủ tục pháp lý liên quan để chủ trại yên tâm đầu tư, lập dự án thu hút vốn đầu tư; xây dựng các chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm và hướng tới mục tiêu đưa toàn bộ sản phẩm của Ngành Chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi, có nguồn gốc rõ ràng...

Đó chính là những điều kiện cần và đủ để Ngành Chăn nuôi của Thủ đô phát triển đúng tầm mức và vị thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đà cho Ngành Chăn nuôi của Thủ đô lớn mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.