Ngày 31-10, Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức hội nghị về giảm tỉ lệ Protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn: Một tác động ba lợi ích.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho biết, sản xuất chăn nuôi là một trong những khu vực gây ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến vấn đề phát thải khí nhà kính (ước tính chiếm khoảng 10-18% tổng lượng phát thải khí nhà kính, tùy điều kiện chăn nuôi của mỗi quốc gia), tác nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Kiểm soát môi trường và khí phát thải chăn nuôi của Việt Nam cũng là những vấn đề lớn và còn nhiều bất cập, do mật độ chăn nuôi của Việt Nam thuộc tốp những nước có mật độ chăn nuôi lớn nhất trên thế giới (khoảng 0,8 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp). Là nước có diện tích tự nhiên đứng thứ 66 thế giới, nhưng có số đầu lợn đứng thứ 6 và đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới..., quy mô chăn nuôi nhỏ chiếm tỷ lệ cao; công nghệ xử lý chất thải tuy nhiều, nhưng chưa hoàn thiện và phù hợp, nhất là ở các cơ sở chăn nuôi vừa và nhỏ đang chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất.
“Để giảm tác hại từ khí phát thải trong chăn nuôi, ngành chăn nuôi đã triển khai nhiều biện pháp, như: Xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ biogas, đệm lót sinh học, nhằm giảm ô nhiễm môi trường và giảm khí phát thải nhà kính do chất thải chăn nuôi gây ra. Công nghệ này đang được sử dụng khá phổ biến trong sản xuất đối với các đối tượng vật nuôi và quy mô chăn nuôi. Sử dụng khẩu phần thức ăn dinh dưỡng hợp lý và bổ sung các chế phẩm, nhằm hạn chế khí phát thải của vật nuôi. Ở Việt Nam, công nghệ này cũng đã được tiếp cận trong khoảng 10 năm trở về đây ở giai đoạn nghiên cứu khoa học, còn việc sử dụng trong đại trà sản xuất thì vẫn đang còn ở mức độ chừng mực”, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, để nhân rộng các mô hình xử lý chất thải và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi từ thức ăn chăn nuôi, nhà nước có chính sách hỗ trợ về đất đai cho chăn nuôi tập trung, chính sách tín dụng ưu đãi cho người chăn nuôi vay đầu tư áp dụng công nghệ phù hợp, hiệu quả. Trước mắt, từ nay đến 2030 chỉ nên áp dụng hình thức khuyến khích các cơ sở chăn nuôi tự nguyện thực hiện việc kiểm kê và kiểm soát khí phát thải trong chăn nuôi. Các địa phương cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên môn, hoàn thiện các công nghệ, chính sách để nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng các công nghệ trong xử lý chất thải, kiểm kê và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.