(HNM) - Trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, khóa VI (1976-1981) có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước. Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI đánh dấu sự thống nhất đất nước về mặt nhà nước sau 30 năm chiến tranh chia cắt hai miền, đồng thời quyết định những vấn đề quan trọng: Tên nước, Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca...
Từ dấu ấn ngày 2-7-1976
Sau ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975), non sông Việt Nam đã liền một dải. Tuy nhiên, trên thực tế lúc này vẫn còn tồn tại hai chính phủ: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Do vậy, việc nhanh chóng thống nhất về mặt nhà nước là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu lúc bấy giờ, để nhân dân ta tập trung xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh.
Lễ khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội thống nhất (2-7-1976). Ảnh tư liệu |
Từ thực tế đó, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 9-1975 nhấn mạnh: “Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng thiết tha của nhân dân cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”. Hội nghị nhất trí cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung của cả nước và quyết định cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tiến hành vào đầu năm 1976, theo các nguyên tắc dân chủ: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Tháng 1-1976, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định: Cuộc Tổng tuyển cử tiến hành vào chủ nhật 25-4-1976.
Trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội khóa VI đã nghiên cứu, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như: Thể chế nhà nước, thông qua nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ hai (1976-1980); phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác. Ngoài ra, Quốc hội thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hiến pháp mới của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - Hiến pháp 1980.
Trước đó, tại kỳ họp thứ nhất, ngày 2-7-1976, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết “về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô và Quốc ca” của nước Việt Nam thống nhất. Trong đó khẳng định, Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, lấy tên là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Quốc kỳ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Quốc huy nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hình tròn, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thủ đô nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Hà Nội. Quốc ca nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là bài "Tiến quân ca".
...mở ra con đường phát triển
Nếu Quốc hội khóa I mở màn cho nền độc lập dân chủ thì theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu, Quốc hội khóa VI đánh dấu sự thống nhất đất nước về mặt Nhà nước sau 30 năm chiến tranh chia cắt hai miền đất nước. Việc thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước trên toàn quốc, chọn tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thông qua Hiến pháp và các văn bản luật quan trọng đã minh chứng cho con đường đúng đắn mà chúng ta đã lựa chọn, là cơ sở pháp lý cần thiết để mở đường cho sự phát triển mới của đất nước ta.
Trải qua 13 khóa, Quốc hội Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh và không ngừng đổi mới. Để đáp ứng tình hình thực tiễn, hầu hết các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước lần lượt được Quốc hội sửa đổi, bổ sung và ban hành theo tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp 2013: Từ Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
Ngoài cơ cấu các thành phần quen thuộc của Quốc hội như: Công nhân (công nghiệp), nông dân (nông nghiệp), trí thức, đảng viên, ngoài Đảng, quân đội, phụ nữ, thanh niên, tôn giáo, cán bộ chính trị, dân tộc thiểu số, giáo dục, văn học nghệ thuật, luật, quản lý nhà nước… từ khóa I đến khóa X, thì từ Quốc hội khóa XI trở đi đã liên tục xuất hiện thêm một thành phần nữa là đại biểu tự ứng cử. Đến cuộc bầu cử khóa XIV, có 86 người là dân tộc thiểu số trúng cử, phụ nữ là 133 người, ngoài Đảng 21 người, tái cử 160 người... Trong đó, tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi, trình độ trên đại học cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc, kết quả này cơ bản phản ánh được tính đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân; chất lượng đại biểu được nâng lên…
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV sắp được khai mạc (ngày 20-7) trong bối cảnh có nhiều vấn đề cần phải xử lý như: Tình trạng nợ công, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... Điều mà cử tri mong muốn là các đại biểu Quốc hội khóa XIV kế thừa truyền thống, kinh nghiệm của khóa trước trong xây dựng pháp luật; giám sát quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức hoạt động của Quốc hội, cùng với toàn Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra là: "... Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại...".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.