Xác định việc các nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thành phố Hà Nội đã có nhiều sáng tạo, quyết liệt, nỗ lực triển khai thực hiện toàn diện.
Hiện nay, thành phố đang triển khai thực hiện “Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp” theo chỉ đạo của Trung ương, bảo đảm đơn vị sau sắp xếp được “nâng cấp”, “nâng tầm”.
4 đợt rà soát tổ chức bộ máy
Theo Trưởng ban Pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương, giai đoạn từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã thực hiện sắp xếp để giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã từ 579 đơn vị (gồm 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn) thành 526 đơn vị (gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn), giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn này bước đầu đã phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng, nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính cấp xã phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển, góp phần hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, thành phố còn khoảng 28% tổng số đơn vị hành chính cấp xã chưa bảo đảm tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Tại kỳ họp thứ hai mươi hai (ngày 29-4), HĐND thành phố Hà Nội đã tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội năm 2025, tổ chức lại 526 đơn vị hành chính cấp xã thành 126 đơn vị hành chính cơ sở mới, với tỷ lệ giảm 76%, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, định hướng chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tiễn của Hà Nội.
Không chỉ chú trọng sắp xếp hành chính cấp xã, tính đến năm 2024, UBND thành phố đã thực hiện 4 đợt rà soát tổ chức bộ máy, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị theo nguyên tắc “một việc, một đầu mối xuyên suốt”; phân định rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và ban hành quy chế, quy trình cụ thể, bảo đảm rõ đầu mối, rõ trách nhiệm đối với những nhiệm vụ trùng chéo, giao thoa.
Trong đó, đợt 1 (năm 2018), triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy các sở và tương đương theo Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và Nghị quyết số 39-NQ/TƯ; đợt 2 (năm 2020) tiếp tục rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp để nâng cao hiệu quả, đánh giá lại các đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất; đợt 3 (năm 2021-2022), triển khai sắp xếp kiện toàn tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố theo các Nghị định của Chính phủ: 107/2020/NĐ-CP, 108/2020/NĐ-CP và 120/2020/NĐ-CP; đợt 4 (năm 2023), thành phố Hà Nội tiếp tục rà soát toàn bộ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của sở, ban, ngành, đơn vị bám sát theo thông tư của các bộ chuyên ngành và hướng dẫn liên quan.
Kết quả sau sắp xếp, đến nay tổng số cơ quan chuyên môn có 15 sở (giảm 6 sở so với năm 2017) và 1 cơ quan tương đương sở. Riêng Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố đang thực hiện thí điểm theo quy định của Trung ương. Tổng số phòng thuộc sở là 150 phòng (giảm 48 phòng so với năm 2024). Tổng số đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố là 21 đơn vị sự nghiệp (giảm 1 đơn vị so với năm 2024).
Đối với các phòng thuộc UBND quận, huyện, thị xã có 300 phòng (giảm 61 phòng, tỷ lệ 17% so với năm 2024. Đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã có 2581 đơn vị sự nghiệp (giảm 14 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành, tỷ lệ 5% so với năm 2024; trong đó không bao gồm các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế). Các đơn vị sau sắp xếp đã dần đi vào hoạt động ổn định, không gián đoạn công việc.
Bảo đảm hiệu quả đơn vị sau sắp xếp
Mới đây, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, liên quan đến công tác này, đại diện UBND thành phố cho rằng, việc tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và công tác cán bộ là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, tâm tư, nguyện vọng của các cá nhân.
Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, rà soát chức năng nhiệm vụ được triển khai đáp ứng ngay yêu cầu theo chỉ đạo của Trung ương, tuy nhiên một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện còn chưa đồng bộ; phương án rà soát sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương có sự điều chỉnh, thay đổi do vậy địa phương và các đơn vị gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.
Tại kỳ họp lần thứ hai mươi hai (ngày 29-4), HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội với 126 xã, phường (50 phường, 76 xã). Thảo luận về nội dung này, các đại biểu bày tỏ đồng tình rất cao với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội. Đại biểu Đinh Trường Thọ (Tổ Đống Đa) cho rằng, việc sắp xếp này đã giải quyết được vấn đề xen kẹt giữa các xã, phường trước đây; tên gọi được lấy theo địa danh văn hóa, lịch sử, giữ lại tên của các quận, huyện; cách làm của thành phố bài bản, khoa học, dân chủ.
Còn đại biểu Lê Minh Đức (Tổ Thạch Thất) nêu rằng, thời gian qua, thành phố làm tốt dự kiến phương án sắp xếp, tên gọi, xác định địa danh, làm việc với các đơn vị từng khu vực; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, đạt tỷ lệ đồng thuận cao từ nhân dân…
Tuy vậy, các đại biểu trăn trở sẽ có những tác động lớn đến công tác quản lý nhà nước; đến phát triển kinh tế và tác động về xã hội. Vì thế, các đại biểu cho rằng, thành phố tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội năm 2025. Trong đó, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với những địa phương, cơ sở có tỷ lệ cử tri, đại biểu HĐND chưa đồng ý với phương án sắp xếp, tên gọi của các đơn vị hành chính mới để tạo sự đồng thuận cao trong việc tổ chức triển khai thực hiện.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng kế hoạch cụ thể để tránh ảnh hưởng tiêu cực của việc sắp xếp đơn vị hành chính, hạn chế gián đoạn đến hoạt động kinh tế của doanh nghiệp và nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp hoạt động bình thường. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị UBND thành phố kiến nghị với Trung ương sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ phù hợp, để sau sắp xếp, đưa vào vận hành bộ máy hiệu quả, chất lượng, không gián đoạn.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND các cấp trong quá trình thực hiện sắp xếp phải bám sát chỉ đạo của UBND cấp trên, bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành công việc thường xuyên, liên tục, không được gián đoạn, không có khoảng trống. Đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong hoạt động của các cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã; kiên quyết không để phát sinh vi phạm, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường và các lĩnh vực có thể xảy ra tham nhũng, lãng phí.
Trong quý II và các tháng còn lại năm 2025, UBND thành phố tiếp tục tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các chương trình hành động đã đề ra. Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình phát triển mới.
Thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chế, quy trình, bảo đảm các cơ quan, đơn vị được sắp xếp kiện toàn thực sự được “nâng cấp”, “nâng tầm” tạo đột phá về hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trong đó, rà soát, xây dựng phương án và triển khai thực hiện tốt “Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp” theo Kết luận số 137-KL/TƯ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.