Sáng 5-5, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Quốc hội khóa XV đã khai mạc kỳ họp thứ chín. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên khai mạc.
Dự phiên khai mạc kỳ họp có Tổng Bí thư Tô Lâm; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Phiên khai mạc kỳ họp có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước...
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tham dự kỳ họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.
Trước khi bước vào phiên khai mạc kỳ họp, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đúng 9h, phiên khai mạc kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV diễn ra dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hôm nay, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể kỳ họp thứ chín - kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân ta, đất nước ta. Các luật, nghị quyết đã thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV đã và đang phục vụ hiệu quả cho cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo đột phá để phát triển, phát huy mọi nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước theo đúng chủ trương của Đảng. Các cơ quan trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đã quán triệt tinh thần quyết tâm rất cao, triển khai rất quyết liệt và đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Nhiều cán bộ, đảng viên đã tự nguyện hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị mình, vì sự phát triển của đất nước.
Trên cơ sở thống nhất tại phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ làm việc trong 37 ngày, chia thành 2 đợt, để xem xét, thảo luận và quyết định khối lượng công việc lớn nhất của các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay, với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Lập hiến - lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong đó, kỳ họp thứ chín sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát thực tiễn”.
Để triển khai nhiệm vụ này, Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 với nhiều đổi mới trong phương pháp và quy trình thực hiện. Đặc biệt là sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, làm căn cứ để Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30-6-2025, để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.
“Với những nội dung nêu trên, kỳ họp thứ chín là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững. Tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cao độ, tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới, thảo luận sâu sắc, quyết định sáng suốt; cùng với các cơ quan, tổ chức có liên quan quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, góp phần tích cực để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất", đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.
Tiếp tục chương trình kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các nhận định, kết quả năm 2024 đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước cơ bản phù hợp và có nhiều chỉ tiêu đạt tốt hơn. Cụ thể, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Đáng chú ý là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới hết sức phức tạp, khó lường. Đặc biệt, việc Hoa Kỳ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế. Các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng gay gắt và khó kiểm soát.
Trong bối cảnh đó, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.
Trong đó, trọng tâm là thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thông suốt; tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và hàng loạt các văn bản pháp luật kèm theo.
Đồng thời, tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu 8% trở lên; tổ chức nhiều hội nghị quan trọng, trong đó có 9 hội nghị với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng trong nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan của Chính phủ đã làm việc với nhiều địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia với tinh thần làm việc “ba ca, bốn kíp”, “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, quyết tâm hoàn thành trong thời gian sớm nhất, chất lượng cao nhất và không để đội vốn.
Trước việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Hoa Kỳ đồng ý đàm phán.
Nhờ đó, tăng trưởng GDP quý I-2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020-2025; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số. Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó, chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu; tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong “bộ tứ chiến lược” .
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 11 nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực.
Thủ tướng nhấn mạnh việc cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Đồng thời, hoàn thành việc rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trước ngày 30-6-2025, bảo đảm hoạt động thông suốt, liên tục, không tạo khoảng trống pháp lý. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại với phương châm “Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị thông minh”.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, Chính phủ cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, Chính phủ tiếp tục bám sát, phân tích kịp thời diễn biến kinh tế thế giới, chính sách của các nền kinh tế lớn, xu thế chuyển dịch toàn cầu để chủ động điều hành; củng cố nội lực, giữ vững ổn định vĩ mô, nâng cao sức chống chịu trong bối cảnh bất định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.