Đó là khẳng định của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khi thảo luận tại Tổ Hà Nội chiều 7-5 liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, chiều 7-5, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh quan tâm đến các nội dung trong dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Theo Chủ tịch UBND thành phố, việc sửa đổi là cần thiết để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp, không còn cấp huyện.
Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu Trần Sỹ Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến Điều 54 về Quy định chuyển tiếp. Dự án luật này quy định chung cho chính quyền địa phương từ nay trở đi, không chỉ áp dụng cho đợt sắp xếp tinh gọn bộ máy lần này.
Tuy nhiên, nhiều điều khoản sau khi thực hiện xong việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ không còn giá trị nữa. Vì thế, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo có thể đưa các nội dung cụ thể này vào nghị quyết, bởi Luật mang tính dài hạn.
Đại biểu Trần Sỹ Thanh trích dẫn khoản 6, Điều 54 quy định: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Thường trực HĐND, các cơ quan thuộc HĐND, UBND, Chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện phải hoàn thành việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất khác có liên quan cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bảo đảm cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan, không để gián đoạn công việc…”.
Theo đại biểu, điều này có nghĩa kể từ 0 giờ ngày 1-7-2025 khi các đơn vị hành chính cũ ngừng hoạt động và có 15 ngày để bàn giao công việc cho các đơn vị hành chính mới.
“Vậy trong thời gian này mọi hoạt động dịch vụ công thiết yếu của người dân sẽ ra sao? Tôi đề nghị các Ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ để rà soát kỹ lưỡng khoản 6 này bảo đảm từ 0 giờ ngày 1-7-2025, các đơn vị hành chính mới hoạt động ngay lập tức, không để xảy ra khoảng trống pháp lý hoặc gián đoạn dịch vụ công”, đại biểu Trần Sỹ Thanh kiến nghị.
Liên quan đến số lượng đại biểu HĐND, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong dự thảo Luật đã quy định tương đối rõ ràng, nhưng đại biểu vẫn lo ngại về việc triển khai ở các địa phương như Hà Nội, nơi ranh giới hành chính được phân chia lại mà không phải sáp nhập hoàn toàn.
Đại biểu dẫn ví dụ một xã hoặc phường cũ có thể được chia thành hai đơn vị hành chính mới, dẫn đến khó khăn trong việc xác định số lượng đại biểu HĐND. Trong khi bên Đảng, việc chỉ định cán bộ được thực hiện nhanh chóng với số lượng tối đa, bên chính quyền lại chưa có quy định rõ ràng.
"Nếu sáp nhập 4 đến 5 xã thành một đơn vị hành chính mới, số lượng đại biểu HĐND có thể lớn, gây phức tạp trong tổ chức. Vì thế, tôi đề nghị làm rõ vấn đề này để đảm bảo tính khả thi”, đại biểu Trần Sỹ Thanh nêu quan điểm.
Liên quan đến khoản 2, Điều 11, hoặc khoản 2, Điều 34 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Sỹ Thanh cho biết: Dự thảo quy định sau khi ổn định, HĐND mới sẽ bầu Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND. Tuy nhiên, quy định này không thống nhất với chủ trương của Đảng, vốn yêu cầu chỉ định ngay các chức danh này sau sắp xếp.
“Sự không thống nhất giữa luật và chủ trương của Đảng có thể gây khó khăn trong triển khai. Tôi đề nghị rà soát và điều chỉnh để đảm bảo đồng bộ, có thể bỏ quy định bầu chức danh tại thời điểm này để phù hợp với chỉ đạo của Đảng”, đại biểu kiến nghị.
Thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đây là dịp để khơi thông sự giao thoa và chuyển đổi lao động giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Theo đại biểu, rào cản thể chế đang hạn chế sự phát triển giữa hai khối.
Trong đó, khoảng cách giữa hai khu vực càng lớn khiến cán bộ nhà nước thiếu hiểu biết về thực tiễn xã hội, các loại hình kinh doanh và hoạt động kinh tế, văn hóa. Điều này dẫn đến sự lạc hậu, cứng nhắc và thiếu khả năng quản lý, quản trị các lĩnh vực phức tạp.
Đại biểu Trần Sỹ Thanh cho biết, hệ thống quy định hiện hành về tuyển dụng công chức với các giới hạn về độ tuổi, kinh nghiệm và kỳ thi đang ngăn cản sự giao lưu lao động.
“Nếu chúng ta muốn mời một giám đốc ngân hàng tư nhân hoặc một nhà khoa học từ viện nghiên cứu tư nhân về làm việc cho chính quyền địa phương là rất khó, vì các quy định hiện hành không cho phép. Ngược lại, cán bộ nhà nước sau thời gian công tác cũng khó chuyển sang khu vực tư nhân để làm tư vấn hoặc tham mưu, dù họ có kinh nghiệm quý giá. Sự thiếu giao lưu này là rào cản lớn cho sự phát triển và nâng cao năng lực quản trị quốc gia”, đại biểu nêu quan điểm.
Vì thế, đại biểu Trần Sỹ Thanh cho rằng, việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức phải hướng đến mục tiêu khơi thông giao thoa lao động, không chỉ giúp cán bộ nhà nước hiểu rõ hơn thực tiễn xã hội, mà còn nâng cao hiệu quả quản trị, đưa các loại hình kinh doanh, kinh tế và văn hóa tiến gần hơn với đời sống thực tế. Đây là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện nền quản trị quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.