TP Hồ Chí Minh

Người dân, chuyên gia tại TP. Hồ Chí Minh đồng thuận sửa đổi Hiến pháp

Nguyễn Lê 08/05/2025 - 09:52

Ngay sau khi dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được công bố công khai lấy ý kiến, tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người dân đã bày tỏ đồng thuận việc sửa đổi, đồng thời mong muốn Quốc hội lưu ý một số vấn đề then chốt.

tp.hcm.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng đi đầu trong cải cách thể chế, vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp. Ảnh: Nguyễn Lê

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, định hướng sửa đổi Hiến pháp 2013 chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, có quy định chuyển tiếp nhằm bảo đảm chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với việc thực hiện phương án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã. Nhóm thứ hai, quy định về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

pgs.ts-nguyen-van-trinh.jpg
PGS.TS Nguyễn Văn Trình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

PGS.TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết 60-NQ/TƯ ngày 12-4-2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, thống nhất với các nội dung đề xuất của Bộ Chính trị về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Văn Trình, sửa đổi Hiến pháp 2013 trong thời điểm này rất cấp thiết, tạo ra hành lang pháp lý thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Hiến pháp 2013 quy định về tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp, đã bộc lộ sự chồng chéo và trùng lặp về nhiệm vụ, quyền hạn, qua đó phát sinh nhiều thủ tục hành chính không thật sự cần thiết, chưa phát huy được yêu cầu cải cách hành chính trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, Hiến pháp 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. Cụ thể, một số chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc vẫn chưa phát huy đầy đủ, vẫn còn trùng lắp, giao thoa một số chức năng, nhiệm vụ; có lúc, có nơi chưa thật sự sâu sát tình hình cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân chưa thật sự kịp thời.

luat-su-nguyen-van-hau.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Hậu. Ảnh: Nguyễn Lê

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, định hướng, phạm vi sửa đổi Hiến pháp lần này mang tính hiến định, dự kiến chỉ sửa đổi, bổ sung 8/120 Điều của Hiến pháp 2013.

Mục đích, yêu cầu của sửa đổi Hiến pháp lần này nhằm thể chế các chủ trương, quy định của Đảng để tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Do đó, cần thận trọng, khách quan, dân chủ và hiệu quả, cần lấy ý kiến của nhiều người thuộc mọi tầng lớp nhân dân.

Còn Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thực tiễn vận hành mô hình chính quyền địa phương 3 cấp (tỉnh - huyện - xã) cho thấy bộc lộ nhiều hạn chế. Do có nhiều cấp quản lý, nguồn lực tài chính và nhân sự bị chia nhỏ khiến quy trình ra quyết định phức tạp, làm chậm tiến độ triển khai chính sách và gây lãng phí nguồn lực, đòi hỏi ngân sách lớn để vận hành, nhưng hiệu quả chưa tương xứng với chi phí bỏ ra.

Chính vì những hạn chế trên, cần thiết phải chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh - xã) nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ người dân tốt hơn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

tien-si-tran-quang-thang.jpg
Tiến sĩ Trần Quang Thắng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến sĩ Trần Quang Thắng cho rằng, đây không chỉ thay đổi về mặt tổ chức mà còn đòi hỏi sự đổi mới tư duy trong quản trị địa phương, nhằm đặt nền móng cho một hệ thống quản lý hiện đại, hiệu quả, gần dân, bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Việc chuyển sang mô hình 2 cấp sẽ giúp giảm bớt bộ máy trung gian, tối ưu hóa nguồn lực. Sự tinh gọn bộ máy giúp chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả hơn, giảm chi phí vận hành và nâng cao khả năng phản ứng nhanh với các vấn đề thực tiễn. Đây là một bước cải cách quan trọng, mang tính cách mạng.

Từ phân tích trên, Tiến sĩ Trần Quang Thắng nhất trí cao việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013, đồng thời mong muốn Quốc hội lưu tâm một số yếu tố then chốt: Thứ nhất, sửa đổi Hiến pháp gắn với sửa đổi các luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức bộ máy Nhà nước; khi quyền lực tập trung hơn vào cấp tỉnh, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để bảo đảm minh bạch và hiệu quả quản lý. Thứ hai, việc không tổ chức cấp huyện đòi hỏi phải tái cấu trúc hệ thống quản lý, tránh chồng chéo chức năng giữa cấp tỉnh và cấp xã; đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm của từng cấp chính quyền, tránh tình trạng cấp tỉnh ôm đồm quá nhiều nhiệm vụ, gây quá tải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân, chuyên gia tại TP. Hồ Chí Minh đồng thuận sửa đổi Hiến pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.