(HNM) - Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: "Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu đạt những kết quả quan trọng...". Điều này được thể hiện rõ nét qua việc trong giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng trung bình khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm nước tăng cao nhất thế giới.
Kết quả nổi bật
Năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, GDP vẫn tăng 2,91%. Quy mô GDP của Việt Nam hiện lên tới gần 270 tỷ USD. Theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình tăng trưởng của nước ta đã chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu và chất lượng tăng trưởng được nâng cao nhờ giảm dần sự phụ thuộc vào tài nguyên - khoáng sản, lao động giá rẻ; đồng thời việc ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh...
Các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế cũng được cơ cấu lại hiệu quả. Điển hình như số lượng doanh nghiệp nhà nước được thu gọn, tập trung vào những lĩnh vực then chốt; hoạt động tự chủ kinh doanh, cạnh tranh được công khai, minh bạch hơn. Đầu tư công được chú trọng, từng bước hoàn thiện quy định, đi đôi với nâng cao kỷ luật, kỷ cương. Trong năm 2020, đầu tư công trở thành “đòn bẩy” góp phần phục hồi nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cơ cấu lại các ngành kinh tế đã đi vào thực chất, tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ cao tăng dần. Đáng chú ý, theo chuyên gia kinh tế Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), Việt Nam không chỉ liên tục đạt thặng dư trong giao thương quốc tế, mà tỷ trọng nhóm hàng xuất khẩu qua chế biến, chế tạo tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao cũng tăng từ 63,9% lên 77,7%.
Bên cạnh đó, đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng ngày càng tăng. Một số ngành có lợi thế, tiềm năng đang phát huy cơ hội để phát triển như logistics, viễn thông, du lịch, tài chính - ngân hàng... Cơ cấu đầu tư cũng chuyển dịch tích cực, tỷ trọng đầu tư của Nhà nước giảm và của khu vực ngoài Nhà nước tăng, phù hợp với định hướng tái cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần sở hữu Nhà nước. Kinh tế tư nhân đóng góp ngày càng cao vào phát triển kinh tế (đóng góp 42% GDP). Giai đoạn 2016-2019, bình quân mỗi năm có 126.500 doanh nghiệp ra đời. Một số tập đoàn kinh tế tư nhân có thương hiệu và năng lực cạnh tranh ở khu vực và quốc tế…
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, những thống kê trên cho thấy sức vươn mạnh mẽ của đất nước nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, khả năng tận dụng cơ hội, trào lưu phát triển chung cùng sự sáng tạo trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Những kết quả trong phát triển kinh tế luôn kết hợp hài hòa với tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy sáng tạo, phát huy nội lực, từng bước hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của đất nước. Còn Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ có tác dụng sâu sắc về tâm lý, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững hơn trong quá trình tham gia kiến tạo đất nước.
Cần đồng lòng với quyết tâm cao
Bên cạnh kết quả đạt được, dự thảo Báo cáo chính trị cũng nêu lên hạn chế: "... Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao".
Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ mới được nêu trong dự thảo báo cáo là: "Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững". Theo các chuyên gia, để thực hiện cần có sự chỉ đạo quyết liệt, tinh thần đồng lòng quyết tâm cao. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, trước hết, cần tạo tăng trưởng dựa trên những động lực mới, mang tính đột phá như ứng dụng kinh tế số, thực hiện chuyển đổi số, tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động tiếp cận, tận dụng tối đa cơ hội và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo để phát triển kinh tế. Trong đó, đổi mới sáng tạo phải là chìa khóa để đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; trở thành tiền đề để Việt Nam “đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên”. “Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa để Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển nhanh, bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ đầu ra cho sản xuất trong nước cũng như bảo đảm cán cân thương mại, nâng cao sức cạnh tranh và vị thế kinh tế Việt Nam. Môi trường đầu tư, kinh doanh cũng cần được tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn để khuyến khích, hình thành ngày càng nhiều doanh nghiệp.
Các chuyên gia đề xuất, định hướng chung là phải đồng lòng, kiên trì mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào từng ngành, lĩnh vực quan trọng; hướng tới mục tiêu tổng quát là bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.